Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 17/6 đến 6h ngày 18/6 có 81 ca mắc mới (BN12151-12231):
- 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 81 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (60), Bắc Giang (21); trong đó 76 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 18/6:
- Việt Nam có tổng cộng 10.564 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 8.994 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có thêm tỉnh Thái Bình qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tổng cộng có 25 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng, Thái Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
- Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.311.345 xét nghiệm cho 5.147.851 lượt người.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
- CA BỆNH BN12151-BN12171 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12172-BN12231 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 51 ca là các trường hợp F1, 4 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 5 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 170.674, trong đó:
- Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 1.999
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 37.428
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 131.247
Thông tin trên VnExpress.net, Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM, ngày 17/6 cho biết thời gian qua, sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục hưng thì thành phố phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới, số lượng người nhiễm bệnh cao, như chuỗi liên quan chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, xưởng cơ khí Hóc Môn...
Tổng số ca Covid-19 tại TP HCM từ ngày 27/4 đến nay lên 1.257 ca, xếp thứ ba cả nước trong đợt dịch này. Thành phố ghi nhận tổng cộng 137 ca Covid-19 ngày 17/6, là ngày có số ca nhiễm cao nhất tính từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020 đến nay.
Theo bác sĩ Yến, đặc điểm của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch thứ 4 này là lây nhiễm thông qua các tiếp xúc sinh hoạt thường ngày tại nơi cư trú, nơi làm việc. Bệnh nhân lây nhiễm từ nơi cư trú rồi mang vào nơi làm việc, rồi lại từ nơi làm việc mang về nơi cư trú tạo thành những chu kỳ lây nhiễm qua lại.
"Có thể hình dung điều này như quả bóng bàn nảy qua chỗ này rồi lại bật sang chỗ khác", bác sĩ Yến phân tích. Do đó, khi phát hiện các trường hợp chỉ điểm qua khám sàng lọc tại bệnh viện thì khi điều tra truy vết, ngành y tế phát hiện ra các chuỗi lây đã lây nhiễm qua lại vài chu kỳ.
Có những chuỗi lây nhiễm nằm chung trong con hẻm, dãy nhà trọ, dãy nhà hàng xóm cùng một ấp. Đây là nơi mà bệnh nhân có những tiếp xúc với nhau theo sự gần gũi của xóm giềng. "Những sinh hoạt làng xóm trước đây là một nét đẹp trong văn hóa người Việt thì trong thời buổi dịch bệnh hiện nay lại trở thành mối nguy khiến dịch bệnh lây lan", bác sĩ Yến nhận định.
Nhiều chuỗi lây nhiễm tại nơi làm việc khi có sự giao tiếp giữa các đồng nghiệp khi trao đổi công việc, sinh hoạt nội bộ, ăn cơm cùng để nói chuyện giờ nghỉ trưa. Những tiếp xúc này vốn là bình thường và cần thiết để duy trì mối liên hệ công việc nhưng giờ đây cũng là nguy cơ.
Thành phố đang tiếp tục triển khai điều tra, truy vết nhanh, sâu và rộng, triệt để đối với các chùm ca bệnh mới xuất hiện, không để cho virus tiếp tục lây lan từ những chuỗi lây đã được phát hiện. Giám sát tầm soát các doanh nghiệp, xí nghiệp, khu vực sản xuất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để đánh giá nguy cơ.
Hơn 10 ngày qua, mỗi ngày thành phố đều phát hiện những trường hợp nhiễm mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng.
"Những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể một ngày nào đó họ trở thành F0, hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho người xung quanh", bác sĩ Yến phân tích. "Do đó, trong thời gian này, khi tiếp xúc trực tiếp với người khác, hãy xem họ như một F0 để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh".
Mỗi người cần hình thành những thói quen mới để cùng nhau ứng phó dịch bệnh. Một người bị lây virus, khi không tiếp xúc người khác thì con đường lây nhiễm của virus sẽ dừng lại.
"Trước khi có vaccine để giải quyết căn cơ Covid-19, việc hạn chế tiếp xúc là vũ khí rất quan trọng", bác sĩ Yến nêu. Đó là lý do vì sao thành phố phải áp dụng biện pháp giãn cách nhằm hạn chế các tiếp xúc xã hội không cần thiết. Đồng thời, thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn luôn đúng, cho đến hiện nay.
Trâm (Nguoiduatin.vn)