Vắc xin là chìa khóa duy nhất giúp đẩy lùi Covid-19
Thạc sĩ, BS Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cách đây hơn 1 năm khi dịch Covid-19 xuất hiện, không ai tưởng tượng ra bức tranh dịch bệnh hiện nay lại có tới hàng trăm triệu người mắc, gần 4 triệu người tử vong vì Covid-19.
Điều may mắn trong đợt dịch bệnh này là từ cuối năm 2020 đã có vắc xin phòng bệnh. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử, chỉ trong vòng 1 năm đã có thể hợp sức nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Hiện nay vắc xin Covid-19 triển khai trên diện rộng tại Tây Âu và Bắc Mỹ và nó là chìa khóa duy nhất giúp đẩy lùi Covid-19.
Thạc sĩ Thái cho biết đối với bệnh Covid-19, người bệnh chính là nguồn lây nhiễm cho người xung quanh qua tiếp xúc gần.
Mặc dù, số ca mắc tăng lên tỷ lệ thuận số người có miễn dịch tự nhiên tăng lên nhưng Thạc sĩ Thái cho rằng, để nhiễm tự nhiên đổi lấy miễn dịch cộng đồng sẽ rủi ro, đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, chúng ta cần miễn dịch cộng đồng nhân tạo chính là tiêm vắc xin. Vắc xin Covid-19 chỉ cần đạt 70 % dân số được tiêm là đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
BS Thái cho biết, từ trước đến nay, một số bệnh như bệnh sởi, ho gà có hệ số lây truyền rất lớn hơn 10 người, thậm chí bệnh sởi có hệ số lây nhiễm là 1 người lây cho 18 người. Nên sởi và ho gà sẽ cần 90 – 92% dân số có miễn dịch mới đẩy lùi được dịch lây trong quần thể.
Còn Covid-19 thì hệ số lây nhiễm từ 2,5 – 4 người xung quanh. Dù dịch đáng quan ngại nhưng so với sởi, ho gà , hệ số lây truyền không nhiều.
Vì vậy, đối với dịch Covid-19, tỷ lệ miễn dịch sẽ dễ đạt hơn, chỉ cần 60 – 75% người trong cộng đồng có miễn dịch. Còn những người không tiêm vắc xin là người hưởng lợi nhờ miễn dịch của người khác đã có trong cộng đồng.
Chỉ cần tiêm vắc xin đủ cho 70% dân số là có thể đạt miễn dịch cộng đồng
PGS-TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay chúng ta đang mong muốn là phải tiêm được 60-70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Để đạt được điều này, hiện các cơ quan đang nỗ lực tìm nguồn vắc xin để nhập khẩu. Trước mắt, do chưa đủ vắc xin nên ưu tiên đối tượng tuyến đầu, đối tượng nguy cơ cao.
Ngành y tế sẽ có hướng dẫn cách đăng ký tiêm theo các địa điểm tiêm phù hợp với địa bàn và thuận lợi nhất cho người đi tiêm, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin.
Có thể tiêm miễn phí như cho người tuyến đầu, người trong vùng dịch (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người nghèo…). Hiệu quả phòng bệnh tuỳ theo từng loại vắc xin, có thể dao động từ 60 đến trên 90%.
PGS Phu cho biết các vắc xin đều cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp nên chưa rõ ràng về hiệu quả phòng lây nhiễm của từng loại vắc xin. Nhưng chắc chắn, nếu tiêm vắc xin sẽ làm giảm các triệu chứng nặng và tử vong do Covid-19.
Đến nay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với vắc xin phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong.
Như vậy, vắc xin phòng Covid-19 nói chung và vắc xin AstraZeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.
Theo Hạ Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)