Sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép như thế nào

12/06/2017 20:05:00

Được chấp thuận đầu tư năm 2007 và đưa vào hoạt động năm 2015, dự án nhiều lần bị phản đối, thanh kiểm tra, thậm chí đề xuất thu hồi.

Được chấp thuận đầu tư năm 2007 và đưa vào hoạt động năm 2015, dự án nhiều lần bị phản đối, thanh kiểm tra, thậm chí đề xuất thu hồi.

 

Ngày 10/5/2007, Thủ tướng có văn bản cho phép đầu tư và xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất trên cơ sở đề xuất của các Bộ Quốc phòng và Xây dựng. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, doanh nghiệp đã lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng sân golf với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng.

Dự án này do Công ty cổ phần đầu tư Long Biên - thành viên của Công ty cổ phần Him Lam, chuyên hoạt động trong lĩnh vực: sân golf, nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới... làm chủ đầu tư.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, diện tích sân golf khoảng 110 ha với nhà hàng, khách sạn 5 sao và nhiều hạng mục cao cấp đi kèm.

Năm 2008, Bộ Xây dựng đề nghị các công trình phụ trợ của dự án phải phù hợp với quy hoạch, đã được phê duyệt và bảo đảm khi có yêu cầu mở rộng sân bay hoặc có nhu cầu sử dụng đất phục vụ quốc phòng thì chủ đầu tư các công trình phụ trợ phải hoàn toàn trả lại mặt bằng vô điều kiện và không được yêu cầu bồi hoàn giải phóng mặt bằng.  

Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, năng lực kinh nghiệm của chủ đầu tư trong lĩnh vực sân golf cũng cần kiểm tra lại, đồng thời làm rõ độ cao tĩnh không tối đa các hạng mục công trình theo thỏa thuận của Bộ Tổng tham mưu cao hơn so với yêu cầu của Cụm cảng Hàng không miền Nam.

san-golf-tan-son-nhat-duoc-cap-phep-nhu-the-nao

Sân golf Tân Sơn Nhất đang đứng trước áp lực thu hồi đất để phục vụ kế hoạch mở rộng sân bay đang quá tải. Ảnh: Mạnh Tùng

Năm 2011, Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt, hạng mục khách sạn 5 sao cao 12 tầng và vấp phải nhiều phản ứng một thời gian dài. Chủ đầu tư hạ thấp khách sạn 5 sao từ 12 tầng (55m) xuống còn 6 tầng (25m). Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chuyên gia hàng không vẫn lo ngại các công trình sẽ trở thành chướng ngại vật cho việc cất cánh và hạ cánh.

Giữa năm 2013, khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được lấy ý kiến rộng rãi, nhiều cử tri tại TP HCM, các chuyên gia đã phản đối với lý do sân bay Tân Sơn Nhất có thể mở rộng bằng đất cấp cho việc xây dựng sân golf. Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sau đó đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ ngừng triển khai dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, Thủ tướng cho biết dự án được thực hiện theo đề nghị của các bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông Vận tải và UBND, TP HCM về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất để xây dựng sân golf cùng một số công trình thể thao phù hợp (như nhiều nước đã làm).

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch dự án sân golf Tân Sơn Nhất, quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động bình thường của sân bay và phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. 

Trong các văn bản xác định, việc lập quy hoạch sân golf phải thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất. Trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường.

Năm 2014, Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên đã có văn bản gửi các bộ đề xuất được tiếp tục triển khai dự án sân golf Tân Sơn Nhất mà không cần phải thực hiện lại thủ tục chủ trương đầu tư. Đề nghị này được Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.

Sau đó sân golf Tân Sơn Nhất tiếp tục được xây dựng và chính thức khánh thành vào ngày 12/8/2015. Doanh nghiệp đã tổ chức kỷ niệm tròn một năm hoạt động vào ngày 24/8/2016.

Theo thông tin đấu giá cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Trường An sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư Long Biên được công bố năm 2014, tổng mức đầu tư dự án sân golf Tân Sơn Nhất dự kiến 5.443 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đề ra là 2010 đến 2017, dự kiến kinh doanh các hạng mục sân golf vào quý III/2014. Thời gian hoàn vốn 13 năm, doanh thu dự kiến bắt đầu từ quý III/2014 và có lợi nhuận từ năm 2018. Toàn bộ dự án được khai thác trong 50 năm. Vốn đã đầu tư ghi nhận đến năm 2014 là 799 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không giống như kế hoạch được công bố, trên thực tế, thời gian khánh thành sân golf Tân Sơn Nhất chậm hơn dự kiến một năm so với kế hoạch đề ra. Như vậy, thời gian dự án này bắt đầu có lợi nhuận có thể phải kéo dài thêm, không phải là năm 2018 như kế hoạch đề ra mà phải lùi về sau cột mốc này. Điều đáng chú ý là trong kế hoạch của Long Biên đã không hề lường trước kịch bản dự án sân golf bị áp lực thu hồi mạnh mẽ do sân bay quá tải như hiện nay.

Khu vực dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất nằm tại khu sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP HCM. Diện tích khu đất 158 ha. Phía Đông - Tây và Nam giáp các khu đất quốc phòng do Trung tâm 72 và F367, 370 quản lý. Phía Bắc giáp tường rào nhà máy Mercedes và Isuzu thuộc đường Quang Trung, quận Gò Vấp.

Quy mô dự án gồm sân golf 36 lỗ (4 cụm sân, mỗi sân 9 lỗ), khu biệt thự, khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp, trường học và nhiều tiện ích đi kèm.

Với kế hoạch bắt đầu khai thác dịch vụ sân golf từ năm 2014, giả định số khách tham dự 250 lượt một ngày thường và 400 lượt một ngày cao điểm cuối tuần, mật độ lấp đầy của sân golf đạt 50% vào quý II/2014 và tăng 5% nửa năm một lần. Đến năm 2017 tỷ lệ lấp đầy đạt 70%, năm 2021 là 90% và từ năm 2022 đến năm 2062 mật độ lấp đầy là 95% mỗi năm.

Theo Hà Thanh (VnExpress.net)

Nổi bật