Video: Nhiệt độ ở Sài Gòn chênh lệch rõ rệt tại khu vực có bóng cây và không có bóng cây
Bản tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết do rãnh áp thấp nóng phía tây nén xuống phía nam tạo nên hiện tượng nắng nóng diện rộng; nhiệt độ cao nhất xảy ra ở các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh giáp biên giới ở miền Tây Nam bộ.
Tại TP.HCM, nhiệt độ cao nhất (trong lều khí tượng) lên tới 37oC. Tuy nhiên trên thực tế, theo cảm nhận của nhiều người dân TP.HCM, nhiệt độ ngoài trời lên đến khoảng 40oC. Theo các chuyên gia, điều này cũng dễ hiểu vì ở các đô thị, ngoài nhiệt độ tự nhiên còn có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như sự bê tông hóa của các đô thị, nhiệt lượng thải ra từ các phương tiện giao thông...
Chính vì vậy sự chênh lệch giữa lều khí tượng và nhiệt độ thực tế ngoài trời khoảng 2oC là điều rất bình thường và thực tế nhiệt độ bên ngoài thường cao hơn.
Chị Nguyễn Ngọc Trân, ở Q.11 (TP.HCM), cho biết: "Không chỉ mỗi khi ra đường mà ngay ở trong nhà nóng đến mức không chịu nổi".
Đến 9 - 10 giờ đêm trời vẫn còn nóng chảy mồ hôi. Chính vì vậy, với nhiều gia đình, máy lạnh mở 24/24 và chỉ ra ngoài vào sáng sớm hoặc lúc trời tắt nắng. Nhiều hộ kinh doanh không thể trốn nắng cả ngày phải chọn cách phun nước liên tục lên mái che trước nhà, phun ướt cả mặt đường phía trước để giảm bớt sức nóng hắt vào.
Anh Nguyễn Văn Tùng (ở Q.12) cho biết: "Từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều, cứ cách chừng một tiếng phải ra phun nước phía trước cửa hàng để làm giảm nhiệt độ. Trên đường, các bóng cây vốn ít ỏi trở thành nơi trú nắng cho hầu hết mọi người khi phải dừng đèn đỏ. Các quán nước bên đường và đặc biệt là các tiệm bán nước sâm giải nhiệt trở nên đắt khách hơn hẳn ngày thường".
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết hiện tượng El-Nino có cường độ yếu và tiếp tục trong 3 tháng tới. Nhờ vậy mùa mưa năm nay sẽ không quá muộn và nhiều khả năng bắt đầu vào nửa đầu tháng 5 tới.
Ở thời điểm hiện tại, gió chuyển dần sang nam và tây nam với cường độ yếu, mưa chuyển mùa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, mưa không đều và kèm theo là các hiện tượng thời tiết cực đoan như: sấm sét, lốc xoáy, gió giật...
Bên cạnh đó, các cơn mưa đầu mùa còn mang theo nhiều chất ô nhiễm, độc hại, người dân không nên sử dụng trong sinh hoạt. Trong khi đó, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, từ sau ngày 16.4, mưa trái mùa xuất hiện trên diện rộng và ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây giảm dần, ở các tỉnh Nam bộ nhiệt độ sẽ giảm xuống phổ biến chỉ còn 33 - 35oC.
Theo Chí Nhân (Thanh Niên Online)