Quy định về xử lý phương tiện dừng đỗ gây ùn tắc từ 1/1/2025

08/12/2024 07:38:23

Thông tư số 69/2024 do Bộ Công an ban hành quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Quy định về xử lý phương tiện dừng đỗ gây ùn tắc từ 1/1/2025

Trong những nhiệm vụ và quyền hạn mà thông tư liệt kê đối với lực lượng CSGT làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ, có nội dung cho phép cảnh sát giải quyết trường hợp người vi phạm không chấp hành việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); xe cơ giới dừng, đỗ gây ùn tắc giao thông.

Cụ thể, trường hợp người vi phạm không chấp hành việc xử lý vi phạm khi CSGT phát hiện ô tô, xe máy dừng, đỗ gây ùn tắc giao thông, lực lượng chức năng sẽ giải thích cho người vi phạm rõ được hành vi của mình và biện pháp giải quyết theo quy định.

Khi người vi phạm không tự giác chấp hành, CSGT có quyền yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ có liên quan để kiểm tra, đưa xe ra khỏi khu vực ùn tắc giao thông, lập biên bản vi phạm hành chính nếu lái xe dừng đỗ sai quy định hoặc không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát.

CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông cũng có quyền tạm giữ giấy tờ hoặc phương tiện, mời nhân chứng ký vào biên bản tạm giữ, sau đó mời người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc hướng dẫn khiếu nại theo quy định. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn giao thông, giải tỏa ùn tắc.

Quy định về xử lý phương tiện dừng đỗ gây ùn tắc từ 1/1/2025 - 1
Ảnh minh họa. (báo Giao Thông)

Đáng chú ý, Thông tư số 69/2024 nêu rõ, nếu người lái xe đóng cửa bỏ đi hoặc không có mặt tại đó, CSGT sử dụng thiết bị kỹ thuật để ghi lại hình ảnh, báo cáo chỉ huy có biện pháp đưa xe ra khỏi khu vực ùn tắc. Tiếp đó, mời người chứng kiến, dán niêm phong xe vi phạm và lập biên bản theo quy định. Đồng thời, tổ chức lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, giải tỏa ùn tắc.

Còn trường hợp xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng làm cản trở đến TTATGT, CSGT chỉ huy và điều khiển giao thông sử dụng thiết bị kỹ thuật để ghi nhận lại sự việc; đình chỉ ngay hành vi, thu hồi hung khí (nếu có), kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người có liên quan, phối hợp tổ chức cấp cứu người bị nạn (nếu có).

CSGT cũng có quyền giải tán đám đông (nếu có), lập biên bản ghi nhận vụ việc và yêu cầu những người có liên quan về trụ sở công an hoặc chính quyền nơi gần nhất để giải quyết.

Trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành yêu cầu của cảnh sát, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ thì thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định.

Khi người lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy hay thậm chí họ không chấp hành yêu cầu kiểm soát, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, CSGT thực hiện theo các quy định tại Điều 73 Luật TTATGT đường bộ, quy định của Bộ Công an và các quy định khác của pháp luật.

Hoặc người vi phạm có hành vi lăng mạ, đe dọa, cản trở... người thi hành công vụ; lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của lực lượng CSGT... thì lực lượng chức năng cũng được quyền ngăn chặn.

Thậm chí, người vi phạm có hành vi điều khiển xe đâm vào người thi hành công vụ, dùng vũ lực, vũ khí... chống người thi hành công vụ, phạm tội quả tang hay có dấu hiệu tội phạm, cảnh sát chỉ huy điều khiển giao thông cũng có quyền thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật TTATGT đường bộ và các quy định liên quan của Bộ Công an.

Điều 73 Luật TTATGT đường bộ quy định về ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ như sau:

1. Khi người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ thực hiện các biện pháp sau đây:

a) Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;

b) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

c) Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

2. Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Theo Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật