Trong năm học 2017 - 2018, sách Tiếng Việt lớp 1 (gồm tập 1 và tập 2) Công nghệ giáo dục được giảng dạy phổ biến hoặc đưa vào thí điểm ở nhiều trường Tiểu học trên cả nước. Hiện sách giáo khoa căn bản và sách Công nghệ giáo dục đang được giảng dạy song song trong nhà trường. Tùy theo quyết định của từng trường, học sinh lớp 1 sẽ học sách căn bản hoặc sách công nghệ giáo dục.
So với chương trình học trước đây, bộ sách mới này có sự thay đổi lớn trong cách phát âm. Đặc biệt sự xuất hiện của nhiều từ ngữ lạ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng.
Bộ sách dạy trẻ nhiều thói hư tật xấu?
Sau khi được trường học phổ biến về bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, nhiều phụ huynh đã thử tìm hiểu xem 2 cuốn sách mới này có gì khác so với phiên bản trước đó. Chị Lê Phương T. bức xúc khi phát hiện ra trong sách chứa nhiều nội dung mà đến bản thân chị còn cảm thấy khó hiểu, chứ chưa nói đến các cháu mới chập chững đi học. Theo quan điểm cá nhân, chị T. đánh giá những câu chuyện trong sách không mang tính giáo dục và nhiều bài học vô nghĩa, dùng từ ngữ hết sức... chợ búa.
Ví dụ như bài Quả bứa (trang 87, sách Tiếng Việt 1, tập 2) có viết: "Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả bứa, liền la to. Sáu nhanh tay nhặt lấy. Hai đứa tranh nhau, cứ giành đi giành lại. Vừa may, có cậu Cả đi qua, hai đứa nhờ phân xử. Nghe hai đứa lần lượt kể lại chuyện đã xảy ra, cậu Cả lấy dao bổ quả bứa ra làm hai, đoạn, phán quyết: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao". Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi. Hai đứa ngẩn tò te, trơ mắt ra".
Lời lẽ trong câu chuyện được đánh giá rất phản cảm khi để 2 đứa trẻ xưng nhau bằng mày - tao, cách ngắt câu tương đối khó hiểu đối với trẻ. Còn nội dung chỉ chăm chăm dạy các cháu cách sống tiểu xảo thay vì lời hay ý đẹp. Người lớn tuổi là cậu Cả nhưng lại có cách hành xử không đúng chuẩn mực khi phân chia quà cho các cháu.
Ngoài ra, trong quyển Tiếng Việt lớp 1- tập 2 có nhiều bài học ẩn hiện những thói hư tật xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm, thậm chí là khôn ranh, ma mãnh. Trong bài học "Bé xách đỡ mẹ", thấy mẹ đi ì ạch vì mang nhiều túi, thay vì xách giúp mẹ, bé đã nảy ra ý tưởng cực "khôn khéo": "Có cách, mẹ ạ! Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ".
Lần lượt các bài học sau đó xuất hiện những từ ngữ không mang ý nghĩa giáo dục, mà ngược lại rất tiêu cực. Ví dụ như cụm "mụ phù thủy dữ như quỷ sứ" trong bài "Mụ phù thuỷ", "ma quỷ" trong bài "Vẽ gì khó?". Đặc biệt, việc đưa thành ngữ, tục ngữ vào chương trình giảng dạy cũng được nhận định là quá khó đối với học sinh lớp 1 khiến nhiều em chỉ biết học vẹt câu từ bên ngoài, như "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "vắt chanh bỏ vỏ"...
Sách phổ thông sử dụng quá nhiều từ ngữ địa phương
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được triển khai tới hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng lại dùng quá nhiều từ ngữ địa phương. Trong sách có bài "Nghỉ hè cả nhà đi bể", rất nhiều trẻ miền Nam không biết "đi bể" là đi đâu. "Bể" vốn là phương ngữ miền Bắc.
Ở trang 48 của sách Tiếng Việt lớp 1 (tập 1), hình ảnh bé trai chở bé gái ngồi sau được giải nghĩa bằng từ "lai" - phương ngữ miền Trung cũng khiến các bậc phụ huynh ngán ngẩm. Ngoài ra nhiều từ ngữ "mới lạ" như gà qué, quả chấp, bé huơ, khuơ mũ, quện nhau, quả muỗm,...
Bộ sách này cũng bị chính các giáo viên phản ánh là có các cụm từ láy khó với cả người lớn chứ đừng nói đến học sinh lớp 1. Điển hình là thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp…
Đơn vị biên soạn sách Công nghệ giáo dục lên tiếng về cách phát âm "lạ"
Trước đấy, trong một lần chia sẻ với báo chí, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan – Trung tâm Công nghệ Giáo dục NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho biết mục tiêu của bộ môn là học sinh phải đọc thông, viết thạo; nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả, từ đó, học sinh không thể tái mù.
Bà Loan cho hay, với môn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục (CNGD), học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà công nghệ giáo dục quan điểm đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể. Từ khái niệm khoa học, học sinh sẽ phân tích những khái niệm đó và dần dần sẽ hiểu được cụ thể.
Về nguyên tắc đánh vần trong CNGD là đánh vần theo âm, không phải đánh vần theo chữ. Lấy dẫn chứng cụ thể, bà Loan chỉ rõ: Với từ "ke" trong CNGD sẽ đánh vần theo âm nên tiếng "ke" đánh vần là /cờ/-/e/-/ke/. Khi học cách phát âm này, học sinh sẽ được học luôn luật chính tả là âm "cờ" đứng trước âm "e" sẽ được ghi bằng chữ "k".
Với phần nguyên âm đôi, tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi là "iê", "uô" và "ươ". Trong đó, âm /ia/ có 4 cách viết "iê", "ia", "yê", "ya"; âm /uô/ có 2 cách viết "uô" và "ua"; âm /ươ/ có 2 cách viết "ươ" và "ưa". Ví dụ tiếng "yêu" được đánh vần là /ia/-/u/-/yêu/, vần "uôi" được đánh vần là /uô/-/i/-uôi/. Đây là cách đánh vần theo âm thay vì theo chữ ghi lại như trước kia là /y/-/ê/-/u/-/yêu/ hay /u/-/ô/-/i/-/uôi/.
"Đối với CNGD, việc truyền thông chưa được nhiều, rộng rãi nên có khá nhiều phụ huynh đặc biệt là phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn việc tiếp cận chưa được nhiều, trung tâm đang có những kế hoạch liên quan đến truyền thông giúp phụ huynh, cộng đồng hiểu hơn về bộ sách" - bà Loan cho biết.
Phụ huynh bất ngờ trước sự thay đổi của bộ sách Tiếng Việt
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, hiện các nhà sách lớn bé tại Hà Nội đều không bán bộ sách Tiếng Việt 1 Giáo dục công nghệ. Họ cho hay, các đầu sách ấy đều được chính các trường học đặt rồi phát cho học sinh để thử nghiệm cách học mới.
Trước sự thay đổi "chóng mặt" của bộ sách Tiếng Việt, trên mạng xã hội nhiều bậc phụ huynh bắt đầu bày tỏ lo ngại về những gì con em mình sẽ được học trong thời gian tới. Những kiến thức cơ bản được thay thế bởi những ngôn từ và cách diễn đạt mới lạ mà chính bản thân họ nhiều khi còn chưa thấu hiểu rõ.
Chị Lê Phương T. thẳng thắn chia sẻ, "Không phải em phân biệt vùng miền nhưng em là người miền Nam, em muốn thay từ "chả", "chẳng" bằng từ "không", nghe nó nhẹ nhàng và tình cảm hơn rất nhiều. Và còn rất rất nhiều từ địa phương của ngoài Bắc. Em không phải là bắt lỗi sách viết sai, từ không có nghĩa. Em đã search Google rồi và tất cả từ đều có nghĩa, nhưng đã là chương trình học chung của cả nước thì nên dùng từ quốc ngữ nghe nó hợp lý hơn ạ".
"Thấy đa phần trong sách đều dùng từ ngữ ngoài miền Bắc, trong Nam mình đọc khó hiểu. Nhiều đoạn văn thật không ngờ là được đưa vào để dạy trẻ con, tụi nhỏ trong sáng thế thử hỏi mấy từ như "quỷ xứ" thì làm sao dạy nổi chúng" - chị L.Q. bức xúc.
"Chỉ mới học lớp 1 mà sách Tiếng Việt đã có những từ láy khó đến người lớn đọc còn vấp, huống gì tụi nhỏ. Ở mỗi cuối bài lại có những câu tục ngữ, thành ngữ cho học sinh ghi nhớ, nhưng với độ tuổi chưa rành mặt chữ thì việc hiểu nghĩa những thành ngữ đó là quá nặng nề. Việc hiểu nghĩa của những văn bản này càng là chuyện xa vời với các em bởi nhóm tác giả trích quá nhiều ngữ liệu mang ý nghĩa sâu xa, có tính xỉa xói nhiều hơn là giáo dục" - anh H.T. bày tỏ quan điểm.
Chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại được thí điểm năm 1978, sau đó năm 1985 được mở rộng ra các tỉnh. Đến năm 2000, chương trình được áp dụng tại 43 tỉnh, thành nhưng sau đó bị tạm dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước.
Đầu năm 2017, Bộ GD&ĐT đã cử một số đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cuốn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" tại các địa phương trên toàn quốc. Dựa trên kết quả khảo sát thực địa này, ngày 19/04/2017, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định cuốn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1".
Sau những ngày thẩm định, Bộ GDĐT đánh giá trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" có hiệu lực.
Điều kiện tiên quyết là tài liệu này phải được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa mới thẩm định và thông qua như tất cả các sách giáo khoa khác.
Trước mắt, nếu việc chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu của Hội đồng và được Bộ GDĐT cho phép, thì tài liệu này có thể đưa vào nhà trường dưới hình thức thử nghiệm cho đến khi áp dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Minh Nhân (Thời Đại)