Đoạn clip do phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại việc cô giáo hướng dẫn cách đánh vần từng âm tiết được cho là khá lạ, cụ thể, "Ki" đọc là: cờ - i - ki. "Uôn" đọc là: ua - nờ - uôn; "Qua" đọc là: Cờ - ua - qua đang thu hút sự chú ý.
Sáng 27/8, trao đổi với PV, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết, cách đánh vần này được dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, xây dựng trên tinh thần giải pháp Công nghệ Giáo dục do ông khởi xướng.
Theo Giáo sư Đại, chương trình này rất hữu ích và được triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.
"Từ năm 1985, chương trình này đã triển khai mở rộng ra 20 tỉnh, đến năm 2000 có 43 tỉnh, thành. Đến năm nay có 49 tỉnh với hơn 800.000 học sinh học theo chương trình này", GS Đại thông tin.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nêu rõ, theo yêu cầu giáo dục, đối với học sinh khi học hết lớp 1 cần phải đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt, không thể tái mù chữ.
"Với chương trình dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục sẽ giải quyết triệt để việc giúp học sinh lớp 1 có thể thực hiện toàn bộ yêu cầu trên.
Đặc biệt, các em ở miền núi, vùng khó khăn, xa xôi nhất, chưa bao giờ đến trường nhưng chỉ cần 1 năm học theo chương trình sẽ đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt và thực tế, chương trình đã, đang được áp dụng trên diện rộng", GS Đại nói thêm.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng giải thích rõ hơn về cách đánh vần các âm tiết. Cụ thể như sau:
1. Về quan hệ Âm – Chữ
Vì sao 3 chữ c / k / q đều đọc là /cờ/?
- Nguyên tắc cơ bản nhất khi học tiếng Việt là ngay từ đầu, cần phân biệt:
Âm / Chữ - Vật thật / Vật thay thế.
Âm và Chữ khác nhau.
+ 1 âm ghi bằng 1 chữ: Âm /a/ ghi bằng chữ a; âm /bờ/ ghi bằng chữ b…
+ 1 âm có thể ghi bằng 2 chữ: Âm /gờ/ ghi bằng 2 chữ g hoặc gh theo quy tắc chính tả.
+ 1 âm có thể ghi bằng 3 chữ: Âm /cờ/ ghi bằng 3 chữ c/k/q theo quy tắc chính tả.
+ 1 âm có thể ghi bằng 4 chữ: Âm /ia/ ghi bằng 4 chữ ia/iê/yê/ya theo quy tắc chính tả.
Âm chỉ có 1. Nhưng 1 âm có thể được ghi bằng nhiều chữ theo quy tắc chính tả.
2. Về cách đánh vần
Từ xưa đến nay, có 3 cách đánh vần. Chẳng hạn với tiếng huyền.
1- Cách thứ nhất (từ khi có người Pháp cho đến cách mạng Tháng 8): hát-u-hu-y gờ rếch-uy-huy-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.
2- Cách thứ hai (cải cách giáo dục): hờ-u-hu-y-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.
3- Cách hiện đại: huyền: huyên – huyền – huyền.
Với cách thứ 3, để đánh vần huyên-huyền-huyền thì:
- Trước đó phải biết đánh vần tiếng thanh ngang huyên: hờ - uyên – huyên.
- Trước đó nữa, phải biết vần uyên: u-yên-uyên.
- Trước đó nữa, phải biết vần yên: yê-nờ-iên.
- Trước đó nữa, phải biết ia/yê.
Do đó, phải bắt đầu từ đầu, học từ âm, rồi đến vần, rồi đến tiếng thanh ngang, rồi đến tiếng có các thanh còn lại.
Xin nhắc lại, nguyên tắc cơ bản nhất ngay từ đầu cần phân biệt Âm và Chữ - Vật thật / Vật thay thế:
Âm là Vật thật, có trước, ngay trong cuộc sống hằng ngày của mọi người (hằng ngày, người ta nói với nhau và nghe bằng âm (Tiếng).
Chữ là Vật thay thế, có sau, phải học mới biết được.
Vấn đề là học như thế nào cho đúng, cho chắc, cho lâu bền mãi mãi.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)