Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong việc phá dỡ phần sai phép nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Võ Hải. |
“Ở giai đoạn 1 do phương tiện phá dỡ cũ, nhà 8B Lê Trực lại xây kiên cố nên mọi việc tiến hành chậm. Nay thành phố đã thay công ty phá dỡ với công nghệ mới, cho phép ngăn một nửa đường Nguyễn Trung Trực để cắt tầng nhanh hơn", ông Chung thông tin.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho hay, vừa qua chủ đầu tư, là thương binh hạng 3/4, đã kích động một số người đã mua căn hộ gửi đơn thư khiếu nại đi các nơi. “Tuy nhiên, toàn bộ sai phạm của chủ đầu tư 8B Lê Trực đã được Thanh tra Thành phố kết luận. Do vậy, những kiến nghị đó không có căn cứ. Thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc và không để chủ đầu tư kéo dài thời gian vi phạm", ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, thành phố đã ra văn bản và phong tỏa tài khoản của chủ đầu tư. Trước mắt, để đầy nhanh tiến độ, thành phố giao cho UBND quận Ba Đình tạm thời ứng tiền ngân sách cho việc phá dỡ. Nhưng toàn bộ chi phí phá dỡ, tiền lãi phát sinh, chủ đầu tư 8B Lê Trực phải chịu.
Hà Nội đã rà soát các dự án của chủ đầu tư này, nếu sai phạm tại 8B Lê Trực không khắc phục nghiêm túc sẽ không được tiếp tục đầu tư trên địa bàn thành phố.
Công khai các công ty trồng cây xanh bật gốc
Liên quan vấn đề cây xanh, ông Chung cho biết trong tuần tới sẽ công khai danh tính các công ty trồng cây xanh mà bị bật gốc, lộ bọc nilon trong bão số 1 vừa qua.
Chủ trương trồng mới và cải tạo cây xanh của thành phố trước đây là xã hội hóa, có nhiều nhà đầu tư tham gia. Các kế hoạch trồng được sở Xây dựng phê duyệt về chủng loại, kích cỡ, khoảng cách, nhưng công tác giám sát lại chưa nghiêm túc về quy cách, chất lượng.
"Trong các đợt mưa bão từ năm trước, trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Bắc - Nam Từ Liên, ngoại thành..., cây đổ lộ rõ gốc còn buộc nguyên nilon, dây thép, dây vải", ông Chung cho biết.
Hàng nghìn cây xanh đã bị gãy đổ do ảnh hưởng của cơ bão số 1 vừa qua. Ảnh:Đức Luyện. |
Lãnh đạo thành phố cho rằng, do có nhiều đơn vị tham gia nên không thống nhất được quy cách kỹ thuật trồng, chăm sóc… Thành phố mới đây đã quyết định giao lại toàn bộ việc trồng mới và cải tạo cây xanh cho Công ty công viên cây xanh Hà Nội. Quy về một đầu mối để kiểm soát chất lượng tốt hơn.
"Thành phố sẽ chấn chỉnh và khắc phục, không để lặp lại tình trạng như thời gian qua", ông Đức Chung nói.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Ngoài ra, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2. |
Theo Võ Hải (VnExpress.net)