Phóng sinh rùa để cầu may đầu năm - lỗi với thiên nhiên, tội trước pháp luật!

13/02/2022 07:08:24

Tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam tồn tại quan niệm rùa là một trong 4 tứ linh. Nuôi rùa trong nhà, chùa hoặc phóng sinh rùa có ý nghĩa phong thủy rất lớn. Đầu năm, khi nhà nhà, người người đều có nhu cầu cầu may cho một năm mới suôn sẻ thì tình trạng mua bán rùa để phóng sinh tăng rất cao.

Nhu cầu phóng sinh giải hạn, cầu may đầu năm khiến người dân mua rùa nhiều hơn.
Nhu cầu phóng sinh giải hạn, cầu may đầu năm khiến người dân mua rùa nhiều hơn.

Điều này không phù hợp với giáo lý của Phật giáo, đồng thời còn là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Quần thể rùa trong tự nhiên lao đao vì nhu cầu phóng sinh của người dân

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tình trạng mua bán rùa đặc biệt nóng tại TP HCM. Trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, điện thoại đường dây nóng của ENV liên tục đổ chuông nhận phản ánh tình trạng trên từ người dân, trong đó có nhiều người nước ngoài. Nhu cầu mua rùa để phóng sinh ở TP HCM nói riêng và trên cả nước đang gây ảnh hưởng lớn đến quần thể rùa trong tự nhiên.

Theo cơ sở dữ liệu của ENV, rùa là một trong các loài thường xuyên bị ghi nhận nuôi nhốt hoặc buôn bán trái phép tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1/1/2016 – 30/11/2021, ENV ghi nhận 1.482 vụ việc vi phạm liên quan đến các loài rùa; trong đó số vụ việc buôn bán rùa tại các địa điểm cụ thể (không phải buôn bán online) chiếm 695 vụ việc. Số lượng cá thể rùa được tịch thu và tự nguyện chuyển giao trên cả nước trong năm 2021 là 574 cá thể.

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV, hoạt động bán rùa trên đường phố không chỉ diễn ra ngày một, ngày hai mà đã tồn tại nhiều năm liền tại TP HCM. Tuy UBND thành phố đã có chỉ đạo xử lý nhưng việc thực thi này vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng buôn bán rùa trên đường phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cũng theo bà Hà, mua bán, vận chuyển hay thậm chí là nuôi nhốt rùa mà không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo loài, số lượng hoặc giá trị tang vật, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép các cá thể rùa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa đối với cá nhân lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

Phóng sinh rùa để cầu may đầu năm - lỗi với thiên nhiên, tội trước pháp luật! ảnh 1
Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một “điểm nóng” về việc bán rùa trái phép trên đường phố

Đừng để người dân phạm luật vì… yêu thiên nhiên

Đầu năm 2021, tại TP HCM rộ lên câu chuyện một người nước ngoài bỗng dưng… vi phạm pháp luật vì “giải cứu” hai con rùa bị buôn bán trái phép trên vỉa hè ở TP HCM.

Người nước ngoài “giải cứu” rùa bán trái phép ở TP HCM là anh Robin Mahieux 30 tuổi, người Pháp. Ngày 31/12/2021, Robin Mahieux và bạn nhìn thấy hai con rùa trên vỉa hè ở góc đường giao giữa Nguyễn Thị Thập và Nguyễn Hữu Thọ ở quận 7. Người bán là một đàn ông khoảng gần 60 tuổi đội mũ lưỡi trai.

“Khi chúng tôi đến gần, người bán có động thái đề phòng, có thể ông ta sợ rằng tôi sẽ gọi công an. Sau đó, tôi hỏi giá 2 con rùa, ông ta đòi 2 triệu đồng. Không mặc cả, tôi đã trả tiền ngay và mang rùa về”, anh Mahieux kể lại. Chàng trai Pháp cho biết anh đã không kìm lòng được khi thấy tình trạng của con rùa. Anh nghi con rùa lớn thuộc loài trong danh sách động vật gặp nguy hiểm cần được bảo vệ. “Chúng tôi đã cố gắng hành động nhanh trước khi con rùa có thể được đưa đến nhà hàng để làm thức ăn”, theo anh Mahieux.

Ban đầu khi mang rùa về, anh Mahieux cung cấp nước và rau cho chúng ăn. Bạn anh đã giúp đăng tin trên mạng xã hội để tìm phòng thú y kiểm tra tình trạng của chúng thật kỹ lưỡng trước khi thả vào chùa. Lúc này, người đàn ông ngoại quốc chưa biết đường dây nóng để phản ánh đến cơ quan chức năng liên quan đến động vật hoang dã. “Rất nhiều người khuyên chúng tôi thả rùa vào chùa với hình thức phóng sinh. Chúng tôi đã chần chừ rồi sau đó quyết định liên hệ với ENV. Tổ chức này đã báo với đơn vị kiểm lâm của thành phố và tôi giao rùa cho họ”, người bạn của Robin Mahieux trình bày.

Sau bài đăng, nhiều người Việt và cư dân ngoại quốc ở TP HCM chia sẻ từng cùng cảnh ngộ với Mahieux khi ra tay “giải cứu” rùa không đúng cách, hoặc phải nhắm mắt làm ngơ khi không đủ tiền mua. Phần lớn họ chưa biết việc mua rùa là tiếp tay cho hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã, đồng thời chưa nhận thức được việc phản ánh với cơ quan chức năng. “Tôi đã hai lần thấy việc bán rùa trên đường ở TP HCM. Tôi biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nhưng khi đó tôi không biết làm thế nào để báo cáo” - một người dân chia sẻ.

Bản thân anh Mahieux khi mua 2 con rùa bị bày bán trên vỉa hè không hề biết bản thân vô tình vi phạm. “Tôi biết rùa là loài cần được bảo vệ. Song tôi chưa biết phải làm gì ngay khi nhìn thấy nó, người bán có thể mang chúng đi nếu đợi tôi báo công an. Do đó tôi đã mua chúng về trước” - Mahieux giải thích động cơ anh “giải cứu” rùa.

Trao đổi với báo chí, đại diện ENV cho biết việc nuôi nhốt, mua bán rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và không đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Những người có ý tốt đã bỏ tiền túi mua rùa về, mang đến chùa phóng sinh, chăm sóc tại nhà hoặc mang đến các đơn vị bảo vệ động vật. Những trường hợp đó có thể bị tính là vi phạm.

Phóng sinh rùa để cầu may đầu năm - lỗi với thiên nhiên, tội trước pháp luật! ảnh 2
Thiệp tuyên truyền được ENV gửi tới các nhà chùa.

Không phóng sinh rùa chính là tạo phúc

TP HCM luôn là một “điểm nóng” thường xuyên ghi nhận hoạt động buôn bán rùa trên đường phố. Hiện tượng này đã diễn ra trong một thời gian dài, bất chấp chỉ đạo xử lý quyết liệt của UBND thành phố. Cách đây 1 năm, ngày 9/2/2021 UBND TP HCM đã ban hành Công văn số 464/UBND-KT về tăng cường biện pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn TP HCM, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán động vật hoang dã dọc các tuyến đường. Song thực tế tình trạng buôn bán rùa trái phép ngày càng gia tăng và tinh vi hơn khiến lực lượng chức năng khó theo dõi và ngăn chặn. Nhất là vào những ngày cuối năm âm lịch và cận Tết Nguyên đán, nhu cầu từ thông tục phóng sinh giải hạn, cầu may khiến người dân mua rùa nhiều hơn.

“Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ một đầu nậu chuyên cung cấp rùa cho các đối tượng bán rong trên địa bàn TP HCM. Chúng tôi hi vọng các cơ quan chức năng tại TP HCM sẽ ngay lập tức xử lý khi tiếp nhận tin báo về hoạt động bán rong rùa của người dân. Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng nên xây dựng chuyên án để triệt phá các đường dây chuyên cung cấp rùa cho người bán rong nhằm cắt đứt các mắt xích cung cấp rùa và hoạt động bán rùa trên địa bàn. Không chỉ vi phạm pháp luật, việc buôn bán rùa nay còn tạo hình ảnh không đẹp trong mắt người ngoại quốc ở Việt Nam” – bà Hà nhấn mạnh.

“Rùa là một trong 4 tứ linh. Nuôi rùa trong nhà hoặc chùa có ý nghĩa phong thủy rất lớn. Rùa đóng vai trò hút long mạch của khu đất mình đang sống giúp gia chủ an lành, làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Hơn nữa rùa là động vật chậm chạp, nuôi rùa sẽ rèn luyện cho gia chủ có tính kiên trì, nhẫn nại”, một nơi cung cấp rùa phóng sinh viết. Những lời quảng cáo này cũng là nội dung chào mời của người bán rùa trên vỉa hè. Nhiều người dân đã tin theo mù quáng khiến tình trạng mua bán rùa diễn ra.

Bên cạnh động thái tích cực cần có từ các cơ quan chức năng, ý thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn hoạt động săn bắt, buôn bán rùa trái phép. Kể từ đầu năm 2021, chiến dịch “Không phóng sinh rùa chính là tạo phúc” đã được triển khai. Trong khuôn khổ chiến dịch, đã ra mắt phim ngắn “Không phóng sinh rùa chính là tạo phúc” nhằm giúp người dân hiểu được việc mua bán, phóng sinh rùa tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hoặc những khu vực xung quanh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các cá thể rùa không những không phù hợp với giáo lý của Phật giáo mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi săn bắt, buôn bán rùa trái phép, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các quần thể rùa trong tự nhiên.

Chiến dịch cũng kêu gọi các nhà chùa khuyến cáo phật tử, khách tham quan không phóng sinh rùa và các loài động vật hoang dã khác. Trong năm 2021, trên cả nước đã có 11 ngôi đền, chùa tự nguyện chuyển giao 237 cá thể động vật hoang dã về các trung tâm cứu hộ, trong đó số lượng rùa chiếm đa số. ENV khuyến cáo người dân nếu chứng kiến vi phạm hãy báo tin theo hotline 18001522 hoặc cơ quan chức năng địa phương trong thời gian sớm nhất để kịp thời phát hiện và xử lý.

Theo Hồng Minh (Báo Pháp Luật)