Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Đề án).
Văn bản nêu rõ về kịch bản phát triển, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm đầu tư đường sắt cao tốc trên thế giới.
Tuyến đường phải phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ.
Tuyến đường thực sự trở thành trục "xương sống" theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.
Về cơ chế chính sách đặc thù, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.
Theo đó, bao gồm: Cơ chế huy động và sử dụng các nguồn vốn; cơ chế sử dụng tiền thu từ sử dụng đất từ các địa phương; cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ, kỹ sư; cơ chế nội địa hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Đồng thời, có cơ chế thu hút đầu tư PPP; cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua FDI; mô hình tổ chức vận hành - kinh doanh...
Đường sắt cao tốc phải gắn với việc phát triển đô thị theo định hướng gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu giải pháp khai thác mô hình này.
Xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Về tổng mức đầu tư, do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm) nên cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu. Số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện. Tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai.
Về nguồn vốn, bố trí nguồn vốn trong giai đoạn đầu. Giai đoạn sau nghiên cứu kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải và trả phí cho nhà nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu huy động chuyên gia, tư vấn nước ngoài, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt cao tốc cùng tư vấn trong nước đánh giá kỹ phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả tối ưu.
Theo Bảo Trân (Nld.com.vn)