Ngày 9/8, Công an tỉnh Nghệ An vẫn đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra làm rõ để xử lý các đối tượng trong chuyên án bắt quả tang 2 gia đình nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ Đông Dương xảy ra tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành).
Đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đây là chuyên án liên quan đến hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp trái phép lớn nhất từ trước tới nay mà Công an tỉnh Nghệ An triệt phá.
Quá trình phá chuyên án, Công an tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và mời các lực lượng chuyên môn về động vật hoang dã tham gia.
Sau khi bắt quả tang 2 gia đình nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ, cơ quan chức năng đã sử dụng thuốc gây mê để giải cứu hổ ra khỏi khu vực nuôi nhốt, vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên, quá trình vận chuyển đã có 8/17 cá thể hổ bị chết bất thường. Số hổ chết này hiện đã được cơ quan chức năng cấp đông để bảo quản nguyên vẹn, phục vụ công tác điều tra.
Video đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói về vụ giải cứu 17 cá thể hổ nuôi nhốt trong nhà dân |
Một số thông tin cho rằng để giảm thiệt hại, cơ quan chức năng sau khi phá chuyên án có thể bàn giao cho chủ nhà chăm sóc dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trước thông tin này, Đại tá Nguyễn Đức Hải cho biết không thể bàn giao cho chủ nhà vì có thể thay đổi vật chứng, ảnh hưởng đến vụ án.
"Trong chuyên án này, các cá thể hổ được xem là vật chứng của vụ án thì nó phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật về vật chứng.
Theo tài liệu chứng cứ công an thu thập được thì chủ nhà chính là đối tượng phạm tội. Nếu bàn giao vật chứng này cho chủ nhà sẽ dẫn đến việc tiêu hủy, thay đổi vật chứng, làm ảnh hưởng đến khả năng chứng minh vật chứng trong vụ án hình sự", Đại tá Hải lý giải.
Đại tá Hải cho biết thêm, việc giải cứu, đưa cá thể hổ về nơi nuôi nhốt được cấp phép với điều kiện tốt hơn là một trong những giải pháp nhân văn nhất trong thời điểm hiện tại. Bởi thời điểm phá án cho thấy, các cá thể hổ được nuôi nhốt ở điều kiện ẩm thấp, rất chật hẹp, mất vệ sinh.
Liên quan đến những cá thể hổ còn sống trong chuyên án này, Đại tá Hải cho biết UBND tỉnh đã giao cho cơ quan chức năng tìm kiếm nơi chăm sóc, bảo tồn tuy nhiên việc này rất khó và hiện chưa tìm được.
Mặc dù vậy, Đại tá Nguyễn Đức Hải khẳng định không vì khó khăn đó mà chùn bước trước loại tội phạm nuôi nhốt, mua bán, săn bắt các loại động vật hoang dã quý hiếm này.
Đại tá Hải cho biết thêm, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm là vi phạm pháp luật, được quy định tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự. Với hành vi nuôi nhốt, săn bắt, giết thịt từ 6 cá thể hổ trở lên có khung hình phạt từ 10-15 năm tù.
Theo Ngọc Tú (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)