Môi trường giam cầm “sống không bằng chết”
Là một tổ chức hoạt động vì động vật và luôn muốn đảm bảo phúc lợi tốt nhất cho động vật, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam chia sẻ, đa số số chúng ta đều mong muốn rằng, các thể hổ sau khi bị tịch thu sẽ được tái thả về tự nhiên để sống hạnh phúc trong rừng, hoặc đưa vào các công viên hoang dã rộng lớn để được vui vẻ, tận hưởng cuộc sống mới sau chuỗi ngày giam cầm trong ngục tối.
Trước thông tin 8/17 con hổ đã chết sau khi được lực lượng chức năng giải cứu nuôi nhốt trái phép từ hai hộ dân ở Nghệ An, ông Thái cho rằng, các cá thể hổ bị tịch thu đã sống thời gian dài trong điều kiện chuồng trại, chăm sóc và thức ăn không phù hợp. Mỗi cá thể trưởng thành với khối lượng trung bình từ 200kg - 250kg nhưng phải sống trong những chiếc cũi chật hẹp, ẩm mốc, thiếu ánh sáng và không được hưởng những quyền sống cơ bản của động vật.
Chính những điều kiện sống này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, xương khớp, tim mạch và ức chế thần kinh.
“Mục đích nuôi nhốt trái phép này nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm từ hổ cho một số nhóm người. Và cái kết không thể tránh khỏi cho những cá thể hổ đó là bị giết thịt, lột da, nấu cao, ngâm rượu, lấy răng và móng. Thử hỏi loài Chúa Sơn Lâm có đáng phải chịu đựng môi trường giam cầm “sống không bằng chết” như vậy không?” Ông Thái bày tỏ.
Theo ông, việc tàng trữ, buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ là hành vi trái phép. Do đó, việc chúng ta đồng tình, ủng hộ các cơ sở nuôi hổ bất hợp pháp đồng nghĩa với việc không tôn trọng hệ thống thực thi pháp luật tại Việt Nam, cũng như tiếp tay cho những hành vi sai trái, gây nên hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho công tác bảo tồn hổ ở Việt Nam và thế giới.
Chỉ khi việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, và hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi giữ hổ trái phép được ngăn chặn thì hoạt động bảo tồn nhóm loài này mới có kết quả.
Không thể tái thả hổ nuôi nhốt về tự nhiên
Từng nhiều năm nghiên cứu về tập tính loài hổ, ông Thái cho biết, hổ là một trong những loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Để tồn tại, chúng rất cần có các kỹ năng chạy, săn, rình mồi và bảo vệ lãnh thổ. Thế nhưng, hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không. Chưa có nơi nào trên thế giới tái thả hổ về tự nhiên trong môi trường nuôi nhốt hoặc nuôi thuần trong trang trại.
17 con hổ được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ ở Nghệ An được sinh ra hoặc thuần dưỡng trong môi trường nuôi nhốt. Chúng bị thừa cân và đã mất hết các bản năng hoang dã cùng các tập tính tự nhiên.Việc tái thả những cá thể hổ này về tự nhiên làm tăng nguy cơ hổ tấn công và gây nguy hiểm cho con người.
Do không thể tự kiếm ăn, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người trong môi trường nuôi nhốt, các cá thể hổ sau khi được tái thả sẽ có xu hướng tới gần khu dân cư để tìm thức ăn, có thể là vật nuôi hoặc thậm chí là người.
“Bởi vậy, việc tái thả hổ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Với nguy cơ đó, không có tổ chức hay cá nhân nào dám chấp nhận rủi ro để thực hiện phép thử này”, ông Thái nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, các cá thể hổ được tái thả sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên và cả các loài động vật khác. Gen lặn suy thoái trong các cá thể được sinh ra từ giao phối cận huyết có thể tác động và gây nên những biến đổi không mong muốn đối với nguồn gen tự nhiên. Bên cạnh đó, mầm bệnh phát sinh từ quá trình nuôi nhốt, vận chuyển và buôn bán trái phép có thể lây lan các dịch bệnh nguy hiểm đến động vật hoang dã và con người.
Theo ông Thái, việc chuyển các cá thể hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp và nhân văn nhất trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng, hoạt động mở cửa cho khách tham quan chính là một nguồn lực tài chính hỗ trợ việc chăm sóc động vật, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Theo Đỗ Việt (Công Lý)