Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp: Không có chuyện đào nhầm vị trí trụ bê tông

05/01/2023 13:43:59

Khoảnh khắc bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu khẳng định với Pháp Luật TP.HCM là không có chuyện lực lượng cứu hộ đào nhầm vị trí cọc bê tông như mạng xã hội lan truyền.

Đến trưa 5/1, vẫn chưa xác định thời gian kéo trụ lên

Sáng cùng ngày, trao đổi với Zing, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết do trở ngại địa chất ở phần đất sâu nên các lực lượng phải hội ý với chuyên gia để có giải pháp phù hợp với thực tế.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết phương án khoan guồng xoắn vẫn được duy trì. Tuy nhiên, đơn vị cứu hộ sẽ kết hợp thêm các phương án khác như đào xới. Các chuyên gia đang bàn bạc, thảo luận thêm các phương án; dự kiến thống nhất trong sáng 5/1.

Hiện tại, đội cứu hộ vẫn tập trung sử dụng thiết bị, phương tiện để đưa đoạn ống đầu tiên lên. Sau đó, đội sẽ triển khai phương án cứu hộ tiếp theo.

"Hiện tại vẫn chưa xác định được thời gian đưa em bé lên khỏi mặt đất. Đây là công việc rất khó khăn khi ống cọc bê tông đã được cắm sâu xuống lòng đất, nhưng lại phải đưa lên", ông Bửu nói.

Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp: Không có chuyện đào nhầm vị trí trụ bê tông
Lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực ngày đêm giải cứu cháu bé

Trao đổi thêm với Thanh Niên, vị lãnh đạo này cho biết, trong suốt đêm 4/1 sáng 5/1, các đơn vị PCCC & CHCN, đơn vị công binh và các đơn vị thi công phối hợp thực hiện phương án đưa thiết bị xuống lồng ống cọc nghi ngờ chứa thi thể bé, khi đưa xuống được khoảng 30m thì phát hiện khối đất đá độ nén chắc, thiết bị đưa xuống có phần hạn chế nên kết quả chưa được mong muốn.

Mặc dù kết hợp các giải pháp thủ công, thiết bị hỗ trợ và các kỹ thuật bơm hút, tạo điều kiện đưa thiết bị xuống sâu để nâng cọc - nơi bé Hạo Nam rơi vào trong lồng ống lên mặt đất chưa hoàn thành được.

Theo ông Bửu, các ngành chức năng đang nỗ lực tìm mọi cách để có phương án, giải pháp kỹ thuật, thăm dò, kết hợp tiếp cận để đưa thi thể bé Hạo Nam lên, tuy nhiên không thể khẳng định được thời gian cụ thể.

Hiện tại phương pháp khoan guồng xoắn vẫn đang duy trì kết hợp với các phương pháp dùng ống, đào xới và đang ở giai đoạn thảo luận, đánh giá, thống nhất.

Hiện đang trưng cầu ý kiến các chuyên gia, vì thi công ở tầng thấp có biện pháp thi công đơn giản, xuống đến khoảng 12 m thì có tầng đất sét bám dính gây khó khăn.

Ngay từ đầu cho đến nay vẫn đào 1 trụ duy nhất

Trong khi các lượng lượng căng sức, túc trực ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ thì mạng xã hội lan truyền thông tin, cho rằng các lực lượng cứu hộ đã đào sai vị trí trụ bê tông.

Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp: Không có chuyện đào nhầm vị trí trụ bê tông - 1
Ông Bửu lên tiếng đính chính thông tin

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bửu khẳng định, ngay từ đầu lực lượng cứu hộ đã xác định được vị trí và và đến nay chỉ đào duy nhất một 1 trụ. Lực lượng cứu hộ vẫn tiến hành thực hiện phương pháp đào để lấy trụ bê tông lên như đã làm.

“Đây là biện pháp hiệu quả tối ưu nhất. Tuy nhiên đi đến độ sâu đã gặp khó khăn do đặc điểm địa chất phức tạp và lực lượng cứu hộ vẫn quyết tâm hoàn thành công tác cứu hộ sớm nhất có thể. Chúng tôi khẳng định vị trí trụ bê tông được đào là chính xác và duy nhất chứ không hề nhầm như mạng xã hội lan truyền”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Vì sao việc cứu hộ bé trai diễn ra chậm?

Bước sang ngày cứu hộ thứ 6 kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, các cơ quan chức năng đã phong tỏa trong bán kính khoảng 500m hiện trường để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho công tác giải cứu cháu bé.

Trước đó, từ tối 3/1 đến ngày 41, các lực lượng cứu hộ vẫn ưu tiên sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn phá vỡ các kết cấu rắn chắc của đất.

Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp: Không có chuyện đào nhầm vị trí trụ bê tông - 2
Đồ họa VnExpress.net

Trả lời câu hỏi lý do nhiều lần "lỡ hẹn" thời gian rút trụ bê tông, ông Bửu thông tin với Tuổi Trẻ cho biết, việc xuyên thấu đến 35m đã gặp phải các tầng đất mà xung quanh có nhiều cọc khác nên độ nén đất rất lớn, tầng đất rắn chắc, bám dính mà trong lòng ống hẹp rất khó thực hiện các giải pháp, kỹ thuật.

"Dù tham khảo ý kiến chuyên gia nhưng làm tới đâu, đảm bảo an toàn đến đó nên chậm hơn so với dự kiến, cam kết", ông Bửu giải thích.

Liên quan trách nhiệm của đơn vị liên quan, ông Bửu cho biết các đơn vị đang nỗ lực kết thúc sớm công tác cứu nạn cứu hộ, giải quyết khó khăn của gia đình.

"Còn trách nhiệm của cơ quan chuyên môn liên quan sự cố công trình này sẽ được cập nhật để có cách giải quyết thế nào là phù hợp theo quy định pháp luật. Sắp tới đây khi công trình tiếp tục thực hiện, địa phương phải làm sao kiểm soát được khâu an toàn công trình", ông Bửu khẳng định.

NT (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật