Khoảnh khắc bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp (Nguồn Zing)
Chưa chắc chắn được thời gian hoàn thành
Ông Đoàn Tấn Bửu thông tin chi tiết về từng bước mà các lực lượng tại hiện trường đang thực hiện để đẩy nhanh công tác cứu hộ.
Theo đó, nhiều đơn vị tại hiện trường vẫn đang thực hiện phương pháp khoan guồng xoắn, là kỹ thuật đã thực hiện từ đầu đến nay. Có những cọc đã được khoan xuống độ sâu 34-35m, ngang với đáy của ống trụ bê tông, nơi có bé trai bị nạn.
Còn kỹ thuật khoan bơm xoáy bằng áp lực nước cao đã triển khai từ tối 3/1, nhưng theo ông Bửu, hiệu quả cũng hạn chế, vì chậm, khi đụng phải phần đất sét chặt cứng.
Do đó, lực lượng tại hiện trường tạm dừng kỹ thuật này, để ưu tiên kỹ thuật khoan guồng xoắn, nhưng đường kính nhỏ hơn để dễ dàng thao tác, nhanh làm tơi phần đất còn lại, giảm áp lực ma sát tối đa.
“Chúng tôi muốn làm song song hai kỹ thuật, nhưng gặp phải tầng địa chất phức tạp, đất sét nén chặt, bám dính nên chậm”, ông Bửu nhấn mạnh.
Theo ông Bửu, dự kiến trong chiều nay, các lực lượng sẽ hoàn thành việc phá vỡ, làm tan rã các phần đất còn lại trong lồng đất có đường kính 1,6m để triển khai đưa ống cọc từng đoạn lên.
Ở bước này, lực lượng dùng cẩu có cáp chuyên dụng, tải lớn để đưa ống cọc lên. Bước cuối cùng là thực hiện cưa, cắt, cứu hộ trên mặt đất.
Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Tháp cũng nói thêm: "Các lực lượng rất nỗ lực, nhiều giải pháp thay đổi, tham khảo ý kiến chuyên gia liên tục. Chúng ta phải chấp nhận vì độ nén đất rất chặt, khó khăn… do đó phải chậm, làm đến đâu, an toàn đến đó. An toàn cho giải pháp, an toàn cho lực lượng thi công nên chưa chắc chắn được thời gian hoàn thành là lúc nào”.
Ví trí bé trai gặp nạn và câu hỏi về khởi tố vụ án?
Ông Bửu thông tin thêm về điều dư luận đang quan tâm, là tình hình và vị trí bé trai 10 tuổi gặp nạn.
Theo vị Phó Chủ tịch tỉnh, hiện các lực lượng vẫn duy trì bơm ô-xy tạo thông khí. Thăm dò bằng các kỹ thuật thăm dò, nội soi vẫn chưa thể thực hiện được, vì đang ưu tiên phương pháp cứu hộ để thông khí duy trì.
"Chưa xác định được vị trí bé gặp nạn”, ông Bửu thông tin.
Ông Bửu cũng nói rõ, ngay từ đầu, các lực lượng tại hiện trường đã tiên lượng tình hình bé trai rất xấu, bởi rơi trong lòng ống chật hẹp, độ sâu trên 10m, có thể đa chấn thương, không khí không đảm bảo…
“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hướng đến điều may mắn, vẫn duy trì thông khí để em bé ở độ sâu này nếu tiếp cận được không khí cũng là điều kiện để duy trì khả năng sống”, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Trước câu hỏi của P.V báo chí về việc khởi tố vụ án? Ông Bửu cho biết, chính quyền và các lực lượng đang tập trung các biện pháp cứu hộ, để giải quyết các khâu tại hiện trường kết thúc sớm và giải quyết khó khăn cho gia đình.
Còn trách nhiệm của cơ quan chuyên môn liên quan đến sự cố công trình này, sẽ được giải quyết sao cho phù hợp với quy định luật pháp.
Như đã thông tin, trưa 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen để nhặt phế liệu. Tại đây, bé Nam không may rơi xuống ống trụ bê tông đường kính 25cm đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Theo Đàm Đệ - Hoài Thanh (VietNamNet)