Đợt dịch thứ 4 chính thức bùng phát tại Hà Nội từ ngày 29/4/2021. Từ giữa tháng 7, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh. Trước tình hình đó, Hà Nội quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24/7.
Đến nay, thành phố trải qua 4 đợt giãn cách trong vòng 60 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây, biến chủng Delta làm thay đổi mọi thứ trong công tác phòng chống dịch.
Không chỉ tận dụng "thời gian vàng" xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; Hà Nội đã khẩn trương hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15/9.
Đến những ngày cuối tháng 9, khi số ca nhiễm trong cộng đồng giảm sâu, thành phố quyết định bắt đầu "khởi động" lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuyển từ Chỉ thị 16 xuống 15, mở lại hàng quán, cắt tóc
Theo đó, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội chuyển áp dụng từ Chỉ thị 16 xuống 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế, cho phép nhiều hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống (bán mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Ngoài ra, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn (trừ các lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà).
Thành phố yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn cũng được mở cửa trở lại.
Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động.
Một thợ cắt tóc tại quận Thanh Xuân xúc động nói, ngay khi đọc được thông báo nới lỏng giãn cách của UBND TP. Hà Nội, anh mừng "không ngủ được", nhấc máy gọi báo anh em trong nghề và người thân. Sau cùng, ai cũng vui như muốn khóc.
"Chúng tôi giục lấy kéo và tông đơ ra cắt tóc cho nhau vì sợ... quên nghề, không cắt được cho khách thì chết dở. Mừng quá mãi đến 6h mới ngủ được, thì đúng 7h anh em ra mở lại quán", người này tâm sự.
Một chủ quán phở trên phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy cũng hớn hở cho biết đã mua xong thực phẩm, chỉ cần dọn dẹp cửa hàng, lau rửa đồ đạc nữa là có thể mở bán theo quy định của thành phố.
"Tôi quê ở Nam Định, mắc kẹt tại Hà Nội hơn 2 tháng. Lần này được mở lại cửa hàng mừng lắm, có thu nhập còn trả tiền nhân công và thuê nhà. Từ sáng sớm đã có khách quen nói đến trưa sẽ quay lại ủng hộ. Phấn khởi lắm", người phụ nữ cười tít mắt.
Đến ngày 28/9, Hà Nội tiếp tục ban hành công văn hỏa tốc, cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người. Trung tâm Thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm được mở cửa trở lại.
Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và Thành phố.
Buổi sáng thứ 3 đẹp trời hôm đó, người dân hồ hởi đổ ra đường chạy bộ, đạp xe quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên... Thời tiết trong lành, nắng nhẹ giúp họ vận động, hít thở không khí trong lành. Nhiều người chia sẻ rằng đã "buồn chân buồn tay" suốt thời gian qua, cuối cùng cũng có thể tham gia "ngày hội thể dục thể thao toàn dân" trong khuôn khổ "Thủ đô Hà Nội".
Trao đổi với báo chí ngày 29/9 về việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ nới lỏng giãn cách từng bước, thận trọng, vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 rất nguy hiểm, khó lường, tốc độ lây lan nhanh.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vaccine từ Bộ Y tế. Ngoài ra, một bộ phận người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, nhiều nơi xuất hiện hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang.
Bí thư Hà Nội cho hay, thành phố chủ trương "an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt". Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch. Từ đó, thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngày 30/9, Hà Nội xuất hiện ca Covid-19 chưa rõ nguồn lây, là người nhà chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Chuỗi lây nhiễm tăng nhanh, lan ra nhiều khoa, phòng của bệnh viện và vùng phong tỏa bên ngoài. 4 tỉnh/ thành khác cũng ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 xuất phát từ cơ sở y tế này.
Chuỗi lây nhiễm BV Việt Đức sau một tuần: Dịch bùng phát nơi hiểm yếu với tổng 56 F0, xuyên đêm đưa hơn 1.000 người rời "điểm nóng"
Một lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định, ổ dịch liên quan Bệnh viện Việt Đức đã lưu hành tại bệnh viện trước đó một thời gian. Tải lượng virus ghi nhận ở các bệnh nhân ở nhiều cấp độ khác nhau, nên ổ dịch này đã qua nhiều chu kì lây nhiễm, những người mắc bệnh đầu tiên có thể đã khỏi bệnh.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện Trung ương, ngoại khoa, tuyến cuối của cả nước và là nơi thu dung điều trị cho các bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội, mà còn các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Nam... nên lượng người bệnh, người nhà rất nhiều.
"Do bệnh nhân từ khắp cả nước đổ về, nên để xác định nguồn lây thực sự rất khó", lãnh đạo CDC nói.
Chuỗi lây nhiễm mới không làm gián đoạn lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội
Sau một tuần, chùm ca bệnh cơ bản được khống chế và kiểm soát. Hà Nội tiếp tục lên phương án tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, từ ngày 10/10 đến 20/10, thành phố thí điểm tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất. Tạm thời chưa khai thác các đường bay từ các địa phương khác đến Hà Nội.
Hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất ban đầu được yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày có trả phí tại các khu cách ly tập trung của TP hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố.
Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến trái chiều, Hà Nội đồng ý cho phép hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và Thành phố. Hà Nội đề xuất treo biển "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19" trước cửa nhà người dân về từ TP.HCM và Đà Nẵng để quản lý và kiểm soát chặt người dân về trên địa bàn..
Gần đây nhất, chiều 13/10, trong công điện hỏa tốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, Hà Nội cho phép từ 6h ngày 14/10 nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.
Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Đồng thời, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.
Xe buýt, xe taxi, taxi công nghệ dưới 9 chỗ được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch. Thành phố còn "nối lại" vận tải liên tỉnh đi/ đến 7 tỉnh phía Bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La với số chuyến bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được công bố.
Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.
Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.
Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.
Đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng 4.066 ca Covid-19, trong đó 1.606 ca ngoài cộng đồng và 2.460 người đã được cách ly. Tuy thành phố đạt được một số thành quả chống dịch ban đầu nhưng các chuyên gia nhận định vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao, F0 vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng. Thành phố không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc, mà chấp nhận số ca mắc nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân.
Hà Nội một lần nữa khuyến cáo người dân, trong tình hình mới, nghiêm chỉnh chấp hành thông điệp 5K, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)