Một tối tháng 10.2019, vận dụng nhiều mối quan hệ, nhóm PV vượt qua được các vòng canh gác cẩn mật để tiến vào Gốc Bưởi - một điểm nóng buôn lậu của tỉnh Lạng Sơn. Bà chủ lán nước dưới chân dốc dường như tin rằng chúng tôi là người trong giới nên khá cởi mở. Và thế là chúng tôi đã hòa “cơn sóng cửu vạn”...
Nhiều như sao trên trời
Gốc Bưởi là tên một đường mòn vắt ngang quả đồi đất nối Việt Nam với Trung Quốc, cách cửa khẩu Cốc Nam (thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) chừng 1km về hướng Đông Nam.
Ban ngày, cả khu vực im lìm. Gốc Bưởi vắng hoe, khuất phía sau dãy nhà ngang lụp xụp mọc sát quốc lộ 4A. Đêm đến, cảnh đìu hiu biến mất, cả triền đồi sáng rực ánh đèn của dân cửu đi hàng, nối nhau kéo dài vô tận.
Những căn nhà biến thành điểm tập kết hàng hóa, xe cộ vào ra nườm nượp suốt đêm. Trước mỗi con ngõ nhỏ là la liệt “chim lợn” lăm lăm bộ đàm trên tay. Kẻ đứng, người ngồi, kẻ lượn xe máy vè vè hòng kịp thời phát hiện và báo ngay cho ông chủ tất cả những bất trắc…
Một tối tháng 10.2019, đồng hồ chỉ 21 giờ, từ lán nước dưới chân Gốc Bưởi nhìn lên đỉnh đồi, cứ vài phút, lại lác đác thấy có người mò mẫm trong đêm cõng theo bao hàng to tướng men theo đường mòn đi xuống.
Cũng có người nghỉ chân tại quán, giải thích rằng hàng về trên kia rồi, nhưng bị chặn một lúc mới thông. Đây là “những bao ngoại giao”, do quen biết nên cho về trước nhưng không được bật đèn để tránh sự chú ý.
Bà chủ quán giải thích là do đêm trước bị “động”. Hàng hóa bị ném vung vãi xuống ruộng ngô, khe núi. Mấy nhà ngoài kia đóng cửa tắt đèn hết. Còn cánh “cửu vạn” đứng tấn mấy tiếng đồng hồ không dám nhúc nhích. Chút nữa thông đường thì cửu vạn sẽ được bật đèn để đi. Rầm rập cả nghìn người qua lại đến tảng sáng. Nhiều cứ như sao trên trời...
Tôi hỏi: “Đêm nào cũng vậy à?”, bà đáp: “Đêm nào chả thế. Đến cuối năm còn đông hơn!”.
Trong lán nước lúc đó còn có mấy “cửu vạn” đang ăn trứng, uống sữa để chuẩn bị cho một đêm trắng cõng hàng. Họ kể, tùy tính chất hàng và điều kiện thời tiết mà được trả từ 2.000 - 2.700đồng/kg. Người yếu thì 70-80kg/bao, còn người khỏe có thể lên đến 130kg/bao.
Mỗi cửu vạn một đêm trung bình đi được 4 chuyến, trừ tiền đường 40.000 đồng/bao và tiền thuốc nước, bèo nhất cũng để ra được từ 500.000 - 600.000 đồng. Đặc biệt, lượng nữ “cửu vạn” cũng rất đông, sức vác hàng chẳng hề kém cạnh nam giới.
Mỗi tối, cánh “cửu vạn” lại mang theo đồ nghề gồm một miếng bọt biển và đoạn dây thừng đi nhận việc từ “cai cửu”. Một mẩu giấy được phát ra. Việc của “cửu vạn” là vác đúng và đủ số hàng ghi trên phiếu từ bên kia biên giới về địa chỉ tập kết rồi nhân với cân nặng để lấy tiền công.
Để được làm “cửu vạn”, ngoài chuyện có sức khỏe còn phải có uy tín. Một cửu vạn nếu không có người quen giới thiệu thì phải đặt cọc, trong trường hợp để mất hàng sẽ bị mất tiền công và mất luôn khoản đặt cọc này.
Bên cạnh đó, cánh “cai cửu” ngán nhất đám tội phạm mò lên vùng biên để trốn nã nên luôn đặt tiêu chí tiên quyết trong trong khâu tuyển dụng là phải có chứng minh thư.
Ngoài cửu vạn, mỗi “cai cửu” cũng nuôi thêm dăm bảy “chim lợn” với công việc chính là hàng ngày ngồi rải rác quanh các đường mòn quan sát mọi di chuyển của lực lượng chức năng. Hễ thấy người lạ lảng vảng thì ngay lập tức thông báo qua bộ đàm cho các “cai cửu” và “chim lợn” khác...
Hòa vào “dòng thác” người
Đến khoảng 22 giờ, dòng người cõng hàng đi xuống bắt đầu đông hơn. Khi những tiếng huỳnh huỵch của bao hàng lăn từ trên đồi cao xuống ngày một rõ hơn, cũng là lúc đám cửu ngồi ở lán nước cũng lục đục rời đi theo lối mòn ngược lên đỉnh đồi. Nghe đâu đó có tiếng gọi lớn. Vậy là đường đã thông.
Tôi vội bám theo và làm quen được với A Sứ, một “cửu vạn” người H’Mông quê Lai Châu. Quãng đường đi ngược, phần lớn các “cửu vạn” đều đi tay không và men theo 2 bên rìa đá lởm chởm, nhường quãng đường chính nhẵn nhụi hơn cho dòng người đang xuôi xuống ngày một đông hơn. Lúc này, tất cả đèn pin trong tay “cửu vạn” cũng đã được bật sáng.
Giữa hàng nghìn ánh đèn loang loáng vạch lên nền trời đêm những vệt loang lổ màu trắng sữa, tôi bị cuốn vào dòng người đang tuôn xuống như thác đổ, nghe rõ bên tai từng tiếng chân va vào mỏm đá dồn dập, tiếng thở dốc phì phò và cả tiếng chửi bới, cạnh khóe quện trong mùi mồ hôi khét lẹt; và không thể tin rằng toàn bộ những hành động này lại diễn ra công nhiên đến vậy…
Tôi mải miết bám theo Sứ chỉ độ vài trăm mét nữa là đến đỉnh đồi, nơi có một hàng rào sắt không cổng cùng biển báo “Khu vực cấm xuất nhập cảnh”. Đây dường như cũng là điểm nghẽn của toàn bộ hành trình khi hàng trăm “cửu vạn” cùng hàng hóa đang nhốn nháo tập trung chờ đến lượt qua cổng.
Từ trên đỉnh đồi nhìn về phía Trung Quốc sẽ thấy cả một thung lũng phía dưới bạt ngàn ánh đèn của cánh “cửu vạn” đang di chuyển thành dòng. Tất cả đều đang cố đưa hàng từ đỉnh một quả đồi bên phía Trung Quốc chuyển về phía Việt Nam.
Sứ bảo tôi, tổng chiều dài quãng đường chỉ khoảng 1km, nhưng đá núi gập ghềnh lại mang vác hàng nặng vào ban đêm nên rất khó di chuyển nhanh.
Giữa những dòng chảy ánh sáng ấy, những lán nước mọc lên hắt ánh sáng leo lét ra xung quanh. Đây vừa là chỗ nghỉ chân của “cửu vạn”, vừa là nơi kiểm soát hàng hóa của cai và cũng là nơi có một lực lượng đứng ra thu tiền đường với giá 40.000đồng/bao.
Sau khi đưa hàng được từ bên Trung Quốc về Việt Nam trót lọt, toàn bộ hàng hóa sẽ được tập kết trong những căn nhà dưới chân dốc rồi đưa lên những chiếc xe ôtô chờ sẵn...
Theo Nhóm Phóng viên (Lao Động)