Phát hiện thêm cá thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên

12/04/2018 17:50:16

Sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một cá thể mới cùng loài với rùa Hoàn Kiếm ở Sơn Tây, Hà Nội.

Ngày 12/4, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) khẳng định đã tìm thấy thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm sống ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội). Các nhà khoa học nhấn mạnh phát hiện này nâng số lượng cá thể rùa này trên thế giới lên 4 con, tăng cơ hội ghép giống nhằm bảo tồn loài rùa quý hiếm.

Loài rùa Hoàn Kiếm có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường ngâm mình ở những vùng nước sâu. Điều này khiến cho việc định dạng các cá thể gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian. ATP đã cùng các nhà khoa học Mỹ ứng dụng kỹ thuật gene môi trường (eDNA) trong tìm kiếm cá thể cùng loài với rùa nguy cấp.

Phát hiện thêm cá thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên
Cá thể rùa tại hồ Xuân Khanh được chụp vào tháng 5/2017. Các nhà khoa học gặp khó khăn khi định d ạng loài rùa trong bức ảnh này. Ảnh: Nguyễn Văn Trọng/ATP.

"Kỹ thuật này tập trung vào việc phát hiện các dấu vết di truyền nhỏ nhất trong nước, thường áp dụng với các loài cá và lưỡng cư", ATP thông tin.

Để thực hiện phương pháp trên, ATP đã thu thập mẫu nước từ nhiều hồ, gồm hồ Đồng Mô - nơi cá thể rùa Hoàn Kiếm hoang dã duy nhất còn tồn tại. Tuy nhiên, mẫu eDNA không mang lại kết quả như mong đợi.

Cuối năm 2016, ATP có tin về một cá thể rùa mai mềm kích thước lớn được nhìn thấy ở hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Cơ quan này quyết định tiến hành thêm các đợt quan sát trong năm 2017. Sau hàng nghìn giờ quan sát, nhóm đã thấy được cá thể rùa một vài lần.

Trước đó, năm 2012, các nhà khoa học nhận được một bức ảnh chụp một cá thể rùa lớn trên hồ Xuân Khanh. Song, bức ảnh này không đủ rõ để xác nhận đây là một cá thể rùa.

Phát hiện thêm cá thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên - 1
Anh Nguyễn Tài Thắng, cán bộ ATP tiến hành điều tra quan sát tại hồ Xuân Khanh, Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Văn Trọng/ATP.

Tháng 5/2017, anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ nghiên cứu của ATP đã chụp được bức ảnh với chất lượng tốt, cho thấy đây là cá thể rùa mai mềm, nhưng không đủ định dạng loài. Vì vậy nhóm quyết định thu mẫu eDNA và phân tích trong phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington (Mỹ).

Kết quả phân tích dương tính với kết luận rằng các dấu vết di truyền từ các mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của loài, chứng mình cá thể rùa trong hồ thuộc loài rùa Hoàn Kiếm.

Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, được xem là loài rùa nguy cấp, quý, hiếm nhất thế giới. Tháng 1/2016, “cụ” rùa khổng lồ, cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng sống tại hồ, với tuổi thọ ước tính hơn 100 tuổi đã ra đi. Rùa Hoàn Kiếm được tin rằng đã gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Phát hiện thêm cá thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên - 2
Bức ảnh chụp rùa Hoàn Kiếm ( Rafetus swinhoei) được giải cứu sau vụ vỡ đập Đồng Mô, Hà Nội vào năm 2008. Ảnh: Timothy McCormack/ATP.

Năm 2016, chỉ có ba cá thể của loài được ghi nhận còn tồn tại trên thế giới. Trong đó, 2 cá thể đang được nuôi tại Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Cặp rùa này gồm một cá thể cái và cá thể đực già đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 nhưng các nỗ lực nhân giống vẫn chưa thành công do trứng rùa không được thụ tinh.

Theo Trà My (Tri Thức Trực Tuyến)