Video: Đàn thiên nga ở hồ Gươm được bắt đi trong đêm
"Tôi phát biểu trên cơ sở pháp luật"
Trao đổi với PV, PGS. TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm gắn bó với rùa Hồ Gươm cho biết, sau khi ông có những ý kiến không đồng tình với việc thả thử nghiệm thiên nga xuống Hồ Gươm thì không ít người có những lời nói không hay, thậm chí khiếm nhã với ông.
"Nhiều người bảo tôi đã không làm gì được cho Hồ Gươm mà làm cái nọ, kia khiến "cụ" rùa chết, giờ còn bảo thủ trong việc thả thiên nga.
Hay có người bảo, "cụ" rùa chết rồi giờ thả mấy con thiên nga cho đẹp, sinh động cũng phản đối, làm mất hết nguồn vui của người dân đến tham quan Hồ.
Nghe thế tôi cũng rất buồn, tức nhưng không muốn chấp, đối đáp, bởi tôi phản đối việc thả thiên nga không vì mục đích cá nhân hay vấn đề gì mà tất cả cần thực hiện theo Luật Di sản", PGS Đức nói.
Theo PGS. TS Hà Đình Đức, Hồ Gươm ai cũng biết là có liên quan đến sự tích rùa thần và đây là Hồ mang đậm yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm linh in đậm trong tâm thức người dân Hà Nội cũng như nhiều người dân cả nước.
"Hồ Gươm là di sản văn hóa Quốc gia đặc biệt nên muốn làm gì ở đây như thả thiên nga cũng phải cực kỳ cẩn trọng làm theo đúng Luật Di sản và được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao, lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rồi lấy ý kiến nhân dân.
Một số ý kiến nói lượng người đồng ý nhiều gấp mấy lần không đồng ý thả nhưng những người đồng ý lại không thực hiện đúng Luật Di sản. Do đó, không phải cứ đám đông, đa số là áp đảo, chân lý chưa chắc thuộc về số đông", PGS Đức nêu.
Ông nhấn mạnh, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, kể cả sử học trong việc cho rằng, thả thiên nga xuống Hồ Gươm đúng, đẹp, không ảnh hưởng gì đã thể hiện sự không hiểu biết về Luật Di sản.
"Không chỉ người dân mà nhiều nhà lịch sử văn hóa dù hiểu Luật Di sản nhưng nói về việc đồng ý thả thiên nga xuống Hồ Gươm rõ ràng là rất ẩu, không chấp nhận được.
Chưa kể, có những người trong số này cũng nói tôi là làm gì được cho Hồ Gươm rồi thế nọ, thế kia nhưng tôi không tranh luận lại bởi phát biểu của tôi là trên cơ sở pháp luật", PGS Đức chia sẻ.
Nên tìm "hậu duệ" của rùa Hồ Gươm
Người có nhiều năm gắn bó với rùa Hồ Gươm khẳng định lại, việc chuyển đàn thiên nga khỏi Hồ Gươm và đưa sang hồ Thiền Quang là chính xác.
"Có người bảo là giờ cũng không nên nuôi ở hồ Thiền Quang mà nên chuyển hồ công viên Thủ Lệ nhưng tôi nói, tôi không có quyền nên hay không.
Bởi việc chuyển thiên nga khỏi Hồ Gươm là đúng còn chuyển đi đâu là do đơn vị thả thiên nga, chủ của thiên nga quyết định.
Nhưng với việc thả vào hồ Thủ Lệ cũng phải xem rõ đơn vị chủ quản có đồng ý không và đàn chim này có mang theo mầm bệnh gì không.
Nếu tất cả tốt, các bên đồng ý và thả vào giúp giảm bớt các chi phí không cần thiết, không tốn ngân sách thì không có vấn đề gì", PGS Đức nói thêm.
Đối với câu hỏi, giờ không thả thiên nga thì nên thả con gì vào Hồ Gươm để thay thế "cụ" rùa đã chết, PGS Đức cho hay, việc này sẽ do các cơ quan chức năng bàn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, người dân.
"Nhưng tôi cho rằng, nếu tìm được hậu duệ của cụ rùa Hồ Gươm trước đây và đưa về thả thì sẽ có ý nghĩa hơn trong việc tiếp nối, không bị ngắt quãng.
Đồng thời, việc thả này, sẽ làm người dân vẫn có điều gì đó nhớ đến truyền thuyết rùa thần với thanh kiếm báu giúp vua Lê đánh thắng giặc", PGS Đức bày tỏ.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)