Dấu tích miệng núi lửa cổ có niên đại hàng triệu năm ở vùng gần bờ biển Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Sau nhiều năm dài khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, vùng biển đảo Lý Sơn - Bình Châu là nơi hội tụ nhiều giá trị di sản địa chất- địa mạo hiếm hoi thế giới. Đây là dạng tài nguyên địa chất không thể tái tạo cần được bảo tồn bền vững cho thế hệ mai sau và lan tỏa sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia khảo cổ học dưới nước nhận định, huyện đảo Lý Sơn có thể ví là "bảo tàng" các dạng phun trào núi lửa, nơi tích hợp nhiều giá trị văn hóa, hình thành kiến tạo vỏ trái đất, từng tồn tại nền văn minh con người từ hàng triệu năm trước.
"Ngoài hai dấu tích miệng núi lửa lớn trên đỉnh núi Thới Lới và Giếng Tiền trên đảo, các nhà khoa học cũng đã phát hiện khoảng 6 miệng núi lửa ngầm dưới đáy biển cùng hệ sinh thái phong phú trong phạm vi 40 km quanh huyện đảo tiền tiêu. Trong đó, miệng núi lửa ngầm có đường kính lớn nhất cách đảo Bé Lý Sơn khoảng 7 hải lý", ông Lâm nói.
Khám phá vòm đá dung nham núi lửa dưới đáy biển Lý Sơn: Vòm đá dài hơn 10 m có nhiều san hô đẹp - dấu tích dung nham núi lửa phun trào hàng triệu năm trước còn nguyên vẹn hứa hẹn là điểm khám phá mới ở vùng biển gần bờ đảo Lý Sơn. |
Trước đó, các chuyên gia cũng từng phát hiện miệng núi lửa cổ rộng khoảng 30 m nằm sát bờ ở khu vực Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Ở đây, hệ địa hình sinh thái trải rộng ra khu vực xung quanh với nhiều bãi đất bazan, cột đá balad trông khá độc đáo.
Vòm đá dung nham núi lửa nằm cách mặt nước 6m ở vùng biển gần bờ ở đảo Bé Lý Sơn. Ảnh: A.Lam. |
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cho biết, hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính. Đợt sớm nhất cách đây khoảng 11 triệu năm (liên quan đến quá trình tách giãn Biển Đông Á vĩ tuyến 109) và gần nhất khoảng 3.000 đến 1 triệu năm liên quan hình thành vỏ trái đất, nền văn minh con người (trùng khớp thời gian với các hoạt động núi lửa tại khu vực ven biển xã Bình Châu và Ba Làng An).
Huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như miệng núi lửa kép trên đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền, Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò trên bờ và dưới biển... Ngoài ra, vách đá trầm tích núi lửa kéo dài ở ven đảo Lý Sơn cũng như vùng ven biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) có giá trị lớn để làm du lịch.
"Đây có thể xem là viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi thế giới, xứng đáng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu", ông Hoàng khẳng định.
Tháng 10/2014, nhóm thợ lặn cùng một số nhà khảo cổ cũng từng phát hiện vòm đá dung nham núi lửa cách mặt nước khoảng 6m ở vùng biển gần bờ đảo Bé Lý Sơn. Người dân địa phương ví vòm đá này là "cổng tò vò dưới nước" có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20 m. Các chuyên gia nhận định, đây là dấu tích dung nham từ hoạt động phun trào núi lửa khi gặp nước biển đông cứng lại, tạo nên vòm đá kỳ vĩ này.
Hiện các chuyên gia tiếp tục giúp đỡ Quảng Ngãi hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, trình Bộ VHTT-DL xếp hạng di tích cấp quốc gia, đồng thời lập hồ sơ để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Theo Minh Hoàng (Zing.vn)