Ngoài đời mồ côi đã khổ, vướng lao lý, tù "mồ côi" còn khổ gấp bội phần. Tết là lúc tái tê nhất của phạm nhân "mồ côi" khi cô đơn xâm chiếm hiện tại và vô định choán mất tương lai.
Vướng vào vòng lao lý là sự cố đau đớn trong đời nhưng theo tác giả, anh thấy mình vẫn còn may mắn hơn những anh em, bạn tù phải "sống kiếp mồ côi".
Đời tù tội có nhiều loại "mồ côi": Không cha mẹ thân thích, chưa một lần thăm nuôi suốt những năm tháng tù đằng đẵng như gọi là “mồ côi thứ thiệt” hay “mồ côi bền vững”
Loại thứ hai, thời gian đầu phạm nhân cũng cha mẹ, anh em, vợ con thăm hỏi, sau quá ngán án dài hàng chục năm nên bỏ luôn thành “bỗng dưng mồ côi”.
Các phạm nhân trở về trại sau giờ lao động |
Càng gần giao thừa, chúng tôi càng thao thức bởi nỗi nhớ nhà, cả buồng giam không ai ngủ nổi. Tiến, thằng nhóc mồ côi mới 20 tuổi đã ăn 3 cái Tết trong tù, chợt quay qua tôi: “Tù mồ côi như con khỏe chú ơi, có ai thân thích đâu mà nhớ?”.
Lời ồn ào bất chợt của thằng nhóc khiến tôi vừa bực vừa thấy cay cay khóe mắt.
Trong số gần 200 tù "mồ côi" tại phân trại số 4 (K4 trại giam Xuân Lộc) thời tôi thụ án (2013), mồ côi “bền vững” như Tiến cỡ 50 người. Đau khổ nhất là những anh em lâm vào hoàn cảnh bi đát này.
Từ nhỏ đã không một tiếng gọi mẹ kêu cha, cuộc đời lăn lộn đá cá lăn dưa bụi đời từ thơ ấu. Đến khi vô tù cũng chịu nhiều tiếng khinh khi.
Năm Châu, người nằm cạnh tôi hơn 6 tháng than: “Cười cười vậy chớ tủi lắm! Ở tù không ai ngó ngàng, mai mốt hết án về biết chui vào nhà nào, vợ con không có - chó cũng không mày ơi!”.
Lao động khiến các phạm nhân khuây khỏa nỗi nhớ nhà. |
Có năm tôi thấy Tiến lủi vô góc sụt sùi, ông già Hỉ, kẻ "mồ côi bền vững" còn hơn Tiến, an ủi mãi mới nguôi.
Thèm hai tiếng “gia đình”
Anh em bạn tù cũng san sẻ quà cáp cho nhau dù ít dù nhiều. Nhưng chai sạn mấy, ở tù nhiều hơn ngoài đời rồi cũng có lúc mủi lòng. Nhiều người Tết về lại mơ màng nhớ hồi xưa Tết má tao nấu món này ba tao cắt chậu kiểng kia…
Hùng “đầu búa”, chịu án 18 năm tội giết người, mồ côi cha mẹ khi mới 7 tuổi, luôn tâm sự với tôi hắn mơ không dưới chục lần gia đình sum vầy ăn Tết, con gái loanh quanh chân cha khắp xóm chúc bà con năm mới bình an.
Nhiều người trong số họ chỉ mong có một mái ấm khi quay về đời, điều mà Năm Châu chọc ghẹo “mơ thì mơ cho tới, mong cả ba má sống dậy lạy tạ ông bả luôn chớ bay”.
Hơi ấm gia đình, đó là thứ phạm nhân thèm khát nhất mỗi khi xuân về. |
Lê Đình Văn, án 10 năm tội trộm cắp than: “Ở trong này mất tự do chút nhưng còn có nơi ăn chốn ở, bịnh có trạm xá chớ về Sài Gòn không biết lấy gì bỏ miệng, lại ngủ vỉa hè mua nắng đổ bịnh hoài ngán thấy mẹ”.
Bỗng dưng côi cút
Chỉ Tây “lai” vác bao đồ thăm nuôi ì ạch vô buồng giam, Ngạc “sọ não” thở dài: “Mới năm trước tao còn ngon hơn nó giờ điếu thuốc cũng phải xin”.
Ngạc hay trách mẹ, trách vợ. Nhưng mới đi án 8 năm về chưa đầy năm lại chơi tiếp án 16 năm vợ nào chịu thấu, còn mẹ gần 80 ngoài đời không biết sống chết sao. Ngạc đành "bỗng dưng mồ côi".
Phạm nhân rớt nước mắt khi đọc thư nhà. |
Tuấn nói đôi lúc hoảng loạn giữa ngổn ngang vợ đi lấy chồng, con bơ vơ hay nhà bị nạn gì đấy mà không cách nào biết, nghĩ án dài chán không muốn sống.
Cán bộ và bạn tù thời gian đầu phải canh chừng Tuấn hoài, sợ làm bậy.
Ngán nhất là những anh gia đình báo tin “vợ mày bỏ đi rồi”, có khi không tăm tích, không biết con cái sống chết ra sao.
Hồi ấy, ti vi hay chiếu đoạn quảng cáo gì có cảnh cha lâu mới về con ra cửa nhìn rồi hỏi vọng vô nhà “mẹ ơi có ai đến nhà mình kìa”. Xem riết, anh em có gia đình như tôi vừa tủi vừa nghĩ quẩn “chắc con mình cũng vậy, không chừng còn kêu ba ơi có ai tìm mẹ”!
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Theo Thiện Hiếu (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)