Phải mất nhiều ngày mới giải phóng được tàu nghìn tấn mắc kẹt

07/03/2016 20:25:25

Lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định cần 1-3 ngày để đánh giá khả năng chịu lực của cầu sau cú đâm mạnh, từ đó mới tính phương án giải cứu con tàu mắc kẹt.

Lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định cần 1-3 ngày để đánh giá khả năng chịu lực của cầu sau cú đâm mạnh, từ đó mới tính phương án giải cứu con tàu mắc kẹt.

Sau cú đâm va, tàu HP308 bị mắc vào dầm cầu và làm hư hỏng hoàn toàn một thanh dầm chịu lực. Ảnh: Giang Chinh.

 
Ngày 7/3, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Tổ công tác đặc biệt chỉ đạo khắc phục sự cố cầu An Thái sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ của tỉnh Hải Dương. Ngay chiều 7/3, Tổ công tác do Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Hà dẫn đầu đã về hiện trường để sơ bộ đánh giá mức độ hư hỏng của cầu, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, đồng thời đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
 
Vụ trưởng Hoàng Hà khẳng định dầm số 4 (dầm ngoài cùng tại khoang thông thuyền) của cầu An Thái bị đâm xuyên, vỡ kết cấu bê tông và đứt bó cáp một đoạn dài. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể nhận ra thanh dầm này có hệ số chịu lực bằng không và buộc phải thay thế. Nhưng trước khi thay, các chuyên gia sẽ phải đánh giá thông số an toàn của 3 dầm còn lại và việc này sẽ phải mất 1-3 ngày.
 
Riêng với tàu 3.000 tấn, ông Hà đề nghị không được cắt cabin, không được kéo ra khỏi cầu bằng mọi cách vì có thể làm các dầm khác bị ảnh hưởng. Trong thời gian chờ được giải phóng, cần cố định vị trí tàu trước sự tác động của thủy triều, kết hợp bơm, hút nước vào các khoang tàu sao cho cân bằng nước trong và ngoài tàu, không đội dầm lên khỏi mặt cầu.
 

Dầm cầu số 4 được Tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải xác định hệ số chịu lực bằng không, buộc phải thay thế. Ảnh: Giang Chinh.

 
Về phương án đảm bảo an toàn giao thông, ông Hà cho biết, nếu xác định 3 dầm còn lại không ảnh hưởng sẽ bố trí lực lượng phân luồng, phân làn điều tiết giao thông để xe máy, xe thô sơ, người đi bộ, thậm chí cả ôtô 4-5 chỗ vẫn có thể lưu thông bình thường. “Do dầm cầu mới được thiết kế bằng bê tông cốt thép chịu lực nên thời gian thi công cho đến khi hoàn thành có thể mất 2 tháng hoặc hơn. Các phương tiện xe cơ giới (trừ ôtô con) không được phép qua cầu”, ông Hà nói.
 
Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương cho hay, Kinh Môn là huyện tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng, đông dân cư. Số người hàng ngày qua cầu vào thành phố cũng như làm việc tại các khu công nghiệp rất lớn. Vì thế cầu có vai trò rất quan trọng trong việc thông thương hàng hóa, đi lại.
 
Trước việc cầu bị sự cố, tỉnh đã bố trí 2 bến đò phục vụ chuyên chở nhưng ngay trong ngày 7/3 đã quá tải, không đáp ứng kịp. Về kinh phí tu sửa trước mắt tỉnh bỏ ra một phần, còn một phần xin hỗ trợ từ Bộ Giao thông Vận tải.
 
Về nguyên nhân gây ra sự cố cầu An Thái, Phó chủ tịch Cương khẳng định lỗi là tàu HP308 quá khổ không được phép lưu thông trên đoạn sông này. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ tàu gây tai nạn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước (nếu có).
 
Khoảng 18h tối 6/3, tàu pha sông biển Hải Phòng (có thể hoạt động cả trên biển, cả trên sông) trọng tải hơn 3.000 tấn trên đường từ xưởng sửa chữa tại Hải Dương xuôi về Hải Phòng đã đâm vào cầu An Thái nằm trên quốc lộ 388, nối 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn (Hải Dương). Cabin mắc kẹt dưới gầm, chìa phần đầu và đuôi ra hai bên cầu. Sau một đêm loay hoay tìm cách giải cứu bất thành, tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ Giao thông hỗ trợ.
 
>> Vụ tàu đâm gãy dầm cầu ở Hải Dương: “Thủ phạm” chưa đăng kiểm xong
>> Cận cảnh dầm cầu bị tàu thủy đâm vỡ, nguy cơ sập cầu
>> Chùm ảnh: Giải cứu tàu 3.200 tấn "húc đầu" vào cầu An Thái
 
Theo Giang Chinh (VnExpress.net)

Nổi bật