Công trình nghiên cứu hơn 40 năm qua của PGS.TS Bùi Hiền về đề xuất cải tiến tiếng Việt hiện vẫn đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. PGS. TS Bùi Hiền nguyên là Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông.
Đề xuất "Luật giáo dục" viết thành "Luật záo zụk" của ông nổ ra những tranh cãi, đa phần mọi người đều không đồng tình. Có người góp ý nhẹ nhàng, nhưng bên cạnh đó cũng có những phản đối, phê phán mạnh mẽ, thậm chí cho rằng chẳng khác gì “teencode” một thời của giới trẻ.
Tối 29/11 chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với PGS.TS Bùi Hiền tại căn nhà tập thể nhỏ ở Hà Nội để nghe thêm chia sẻ của ông sau những ồn ào về công trình nghiên cứu này.
"Luật Giáo Dục" viết thành "Luật Záo Zụk" sẽ tiết kiệm được 8% trong một trang giấy
Thưa PGS TS, ông cảm thấy như nào khi nhiều người cho rằng ông "điên khùng", "rửng mỡ" với đề xuất cải tiến tiếng Việt?
Tôi đã đọc hết những lời chỉ trích, chê bai thậm chí với những ngôn từ rất nặng nề mà cư dân mạng dùng để ném đá tôi. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng - tôi hiểu đây chỉ là phản ứng tự nhiên của mọi người, tất cả là do cách đưa tin thiếu chính xác.
Công trình cải tiến ngôn ngữ này được tôi giới thiệu mang tính chất nội bộ ở kỷ yếu hội thảo khoa học tại Quy Nhơn hồi tháng 9. Nhiều người thấy hay nên đã đưa tin và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên đó chỉ mới là... một trang, một phần trong tổng thể bài nghiên cứu. Đáng nhẽ nếu muốn đăng tải, mọi người phải đưa lên theo trình tự từ bảng chữ cái, cách hướng dẫn sử dụng rồi mới đến bài viết về "Luật Záo Zụk". Bởi vậy bạn đọc không thể hiểu được, không thể chấp nhận nên đã quay vào "ném đá" tôi thậm tệ.
Đây là sự hiểu lầm!
Nếu nghiên cứu xong tôi sẽ công bố, không phải trên mạng xã hội hay trên báo chí, mà tại hội nghị khoa học giữa những người làm khoa học với nhau để có ý kiến phản bác. Phải có hội nghị chuyên đề, có sự tham gia của những chuyên gia trong ngành. Nếu họ đưa ra những ý kiến phê phán, góp ý thì tất nhiên tôi phải tiếp thu và sửa chữa. Sau khi chỉnh sửa, tôi còn phải trình lên cơ quan có trách nhiệm xem có dùng hay không dùng, khi đó mới đưa ra hỏi ý kiến toàn dân.
Nếu những gì được chia sẻ vừa qua mới chỉ là một phần của công trình thì nội dung còn lại là gì, thưa ông?
Trước tiên tôi khẳng định là tôi không nghĩ ra một bộ chữ mới, mà hoàn toàn dựa vào hệ thống chữ cái Latin trong tiếng Việt hiện nay, chỉ đề xuất thêm những chữ cái chưa có như W, Z, F. Theo đó, chúng ta thường sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
Tôi đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên tạm thời dùng kí tự ghép "n" để biểu đạt.
Những nội dung này chỉ mới là những điều bất hợp lý trong phụ âm. Còn phần nguyên âm cũng loạn cách ghép và tôi đang tiếp tục làm. Ví dụ như cùng âm "ua" nhưng nếu ghép với phụ âm để thành "quả" thì âm đó đánh vần là "oa" nhưng nếu ghép thành "cua" thì âm đó đánh vần là "ua". Rõ ràng nó phi lý thì bây giờ tôi làm cho nó có lý theo nguyên tắc tối giản và tối ưu nhất cho bảng chữ cái tiếng Việt.
Vậy từ khi nào PGS.TS nhận thấy cần phải cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt?
Công trình này không ai bắt tôi làm cả! Tôi đã bắt đầu nghiên cứu từ hơn 40 năm rồi, không phải hứng lên 1, 2 ngày mới làm. Tôi đã công bố vào năm 1995 dự án đầu tiên nhưng chưa hoàn chỉnh. Từ đó tôi đã thấy việc cấp bách cần phải sửa bảng chữ cái tiếng Việt vì xã hội bước sang giai đoạn công nghệ số rồi, vấn đề ở đây là tốc độ. Càng nhanh thì càng phát triển!
Bây giờ cả tôi và các bạn làm việc hầu như không viết tay nữa mà toàn đánh máy. Như vậy, chuyện dùng máy tính để truyền đạt ý kiến, tiếng nói của Việt Nam cần phải gọn, ngắn và khoa học. Hơn thế nữa, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý.
Thưa PGS.TS, sự cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt theo ông sẽ mang lại lợi ích gì?
Khi chuyển đổi đoạn văn bản về "Luật Giáo Dục" thành "Luật Záo Zụk" tôi nhận ra mình đã tiết kiệm được 8%. Nếu như 8% trong 1 trang giấy không đáng bao nhiêu nhưng nếu tính cả 1 nhà xuất bản, cả nước này thì phải đến hàng vạn tấn giấy được tiết kiệm. Tôi nghĩ là nên làm chứ chả có gì xấu ở đây cả!
Ngoài ra, chữ viết hiện tại gây rắc rối khi quá nhiều chữ ghép, gây lỗi chính tả tràn ngập các văn bản. Không chỉ các em học sinh mà thậm chí là tôi và bạn hiện nay vẫn hay nhầm lẫn, muốn biên tập bài cũng phải tra từ điển. Áp dụng chữ mới, chúng ta sẽ không phải đi sửa chữa lại lỗi chính tả nữa.
Mục đích của tôi là dẹp bớt sự loạn chữ trong ngôn ngữ tiếng Việt nên tôi quyết tâm đi đến cùng. Tôi làm không vụ lợi, không vì một cái gì và giờ tôi thấy mình bước đầu đã có thành công nhất định.
Đây là sự cải tiến chứ không phải cải cách!
Cách viết này như PGS. TS trình bày là sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và giấy mực. Nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người Việt sẽ phải lao đầu vào... học lại từ đầu?
Mọi người chưa hiểu về bộ chữ đã đành, nhiều người lại còn suy ra chuyện bắt tất cả chúng ta học lại là hơi phóng đại. Tôi và các bạn, từ ngày xưa đã phải mất tới 1 năm để có thể đọc và viết chữ quốc ngữ. Đó không phải là quãng thời gian quá lâu hay sao?
Với bảng chữ cải tiến, ai bảo mọi người phải cắp sách học lại từ đầu. Chỉ cần tôi hướng dẫn học lại theo hệ thống, chứ không phải học nhận dạng các chữ. Hệ thống tiếng Latin mình có trong đầu rồi, tôi có thay đổi chữ nào đâu nên việc tiếp thu rất nhanh và đơn giản.
Và như vậy các loại sách giáo khoa, mọi tài liệu... cũng sẽ phải thay đổi, in ấn lại. Liệu có phải tiết kiệm không hay là tốn kém thêm?
Sao lại nghĩ nông nổi như thế! In sách mới để làm gì, sách cũ còn dùng được tại sao lại vứt nó đi. Tôi nhấn mạnh, chỉ thay đổi cái nào chúng ta cần, không cần thiết thay đổi toàn bộ. Chỉ đối với những trẻ năm nay bước vào học chữ thì mới cần bộ sách mới, tài liệu mới trong khi chữ mới thì học dễ dàng, chỉ cần 15 - 20 phút là đọc vanh vách được rồi.
Từ xưa đến nay, ngôn ngữ, chứ viết vẫn luôn được xem là tài sản của dân tộc, nhiều người cho rằng ông làm như thế này là "phá" truyền thống?
Tôi không định nghĩa cái gọi là văn hóa nhưng mà ở đời vạn sự luôn biến động, thay đổi và khẳng định truyền thống bất biến là sai về mặt tư duy.
Xét về mặt chữ viết từ xưa đến nay, trước kia chúng ta học chữ Nho. Thế mà một thời gian, người ta thấy chữ Nho không đáp ứng được nhu cầu, ông cha ta lại sáng tạo ra chữ Nôm. Đấy là 1 sự cải cách lớn!
Sau này xã hội phát triển, bỏ cả chữ Nôm, chữ Tây để lại mỗi chữ quốc ngữ. Đây cũng là truyền thống, nó cũng thay đổi chứ đâu phải bất biến. Còn riêng về công trình lần này của tôi, đây là sự cải tiến chứ không phải cải cách, tôi có làm thay đổi gì đâu, chỉ thêm bớt chữ cái và làm cho nó hợp lý hơn. Vậy tại sao lại vin vào truyền thống, đấy là bảo thủ!
"Họ dùng chính chữ của tôi để chửi tôi"
Trước làn sóng phản ứng thái quá, thậm chí vô văn hóa trên mạng xã hội, ông đã phải chịu áp lực như nào?
Bên cạnh những ý kiến khách quan mang tính đóng góp thiện chí còn có rất nhiều bình luận phản đối gay gắt, kể cả việc sử dụng những từ ngữ vô cùng nặng nề như "có vấn đề", "thần kinh", "điên khùng", "rửng mỡ". Thú thực tôi đã đọc cả nhưng tôi bỏ ngoài tai vì họ không đáng để quan tâm.
Nếu những người nghiêm túc viết bài thì nhất định tôi phải đọc để tự rút kinh nghiệm, thu nhận sự góp ý và từ đó chỉnh sửa lại bài nghiên cứu. Còn cư dân mạng "ném đá hội đồng" thường là do chưa hiểu kỹ đề xuất của tôi nên thôi, họ nói cứ để họ nói, nói mãi rồi cũng thôi vì chán.
Hơn nữa tôi thấy họ rất mâu thuẫn bởi trên mạng xã hội họ chê lên chê xuống, bảo là khó học nhưng buồn cười là sau đêm đầu tiên, nhiều người đã dùng chính chữ của tôi để chửi tôi. Tôi đã dạy họ đâu, tôi cũng chưa giới thiệu hệ thống này nhưng họ lại học lỏm mấy tiếng đồng hồ đã viết được đúng kiểu chữ. Họ cũng không cần phải chờ 1 năm như việc học chữ quốc ngữ để có thể chửi tôi. Thế chứng tỏ một điều là chữ này rất nhạy, rất nhanh vào đầu người ta. Tại sao người ta lại không thấy cái lợi đó mà quay sang chửi tôi gây rắc rối?
Vậy trước những lời khen chê đó, ông có còn giữ ý định tiếp tục công trình nghiên cứu của mình không?
Tất nhiên là có rồi! Tôi chưa làm xong thì tôi sẽ làm đến cùng. Dù năm nay đã 83 tuổi, đủ thức bệnh tuổi già, có những hôm huyết áp lên 190 đến độ nguy hiểm nhưng tôi tâm huyết với công trình hơn 40 năm qua của mình. Tôi hứa đến hội nghị khoa học tháng 3/2018 nếu được tôi sẽ thông báo đã hoàn thành.
Tôi vẫn sẽ tiếp tục vì tôi tin việc làm này có ích cho xã hội, tôi tin vào tính khả thi của nó còn mọi người ứng dụng hay không thì tùy. Tất cả đều là tâm huyết!
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hiền về buổi trò chuyện ngày hôm nay!
Bạn muốn biết tên của bạn được viết như thế nào trong Tiếng Việt kiểu mới, hãy dùng thử TOOL chuyển đổi Tiếng Việt mới trên docbao.vn.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)