PGS Nguyễn Lân Hiếu: Cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19

22/10/2022 17:02:31

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác

Phát biểu tại tổ sáng 22-10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19. "Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 hiện nay ngày càng giảm xuống" - đại biểu Hiếu nói.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Phạm Thắng

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện. Các thuốc, vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, do đó cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng sang điều trị bệnh lý khác. Các trang thiết bị hiện đại được mua cho chống dịch như máy thở, ECMO, lọc máu, X-quang di động... cần thống kê, phân bố sử dụng để tránh hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu...

"Tôi đi kiểm tra các tỉnh miền núi phía Bắc trong đại dịch thấy đều chưa kịp mua, trong khi phía Nam rất nhiều máy móc được mua, chuyển vào đó. Vì thế phải thống kê lại rồi chia cho các địa phương, các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu.

Một vấn đề khác được ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu ra đó là vướng mắc, khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị đã được nêu trong báo cáo kinh tế - xã hội. ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết bản thân là giám đốc bệnh viện, trực tiếp đương đầu với khó khăn này, thấy việc giải quyết không phải quá khó nhưng cách xử lý còn quá chậm, ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Việc này có nguy cơ tạo hệ lụy khôn lường, trong đó không mua được dẫn đến các bệnh viện không có thuốc và có thể khiến các hãng dược rời khỏi Việt Nam, không tham gia cung cấp trang thiết bị. Do đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần nhanh chóng sửa chữa những bất cập và thực tế trên nhiều diễn đàn đã chỉ rõ các điều cần sửa đổi trong các thông tư, nghị định.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói thêm có rất nhiều câu hỏi về việc trước dịch mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì nhưng hết dịch mua lại khó. Tuy nhiên, điều này không đúng bởi trước dịch đã khó và sau dịch còn khó hơn. Nguyên nhân là do các thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm như Thông tư 14 năm 2020, Nghị định 98 năm 2021.

Từ đó vị ĐB là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị hình thức đấu thầu thuốc hóa chất, vật tư, tiêu hao hiệu quả nhất lúc này nên "quay lại cái cũ" - tức giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng, còn đấu thầu tập trung tất cả các nơi đều khó khăn.

"Bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở, vì thế cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân. Còn lại sợ trách nhiệm, đẩy lên trên là không được"- ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Bệnh viện kêu thiếu thuốc 8 tháng vẫn chưa được giải quyết

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cũng bày tỏ lo lắng về hệ thống y tế đang có vấn đề rất nghiêm trọng khi nhân viên y tế thôi việc hàng loạt, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Kiềng ba chân của ngành y là y tế cơ sở, bệnh viện, cung ứng đều đang yếu. "Nhiều người dân phản ánh vào bệnh viện điều trị nhưng thiếu từ băng gạc đến thuốc uống, phải tự ra ngoài mua và không được bảo hiểm y tế thanh toán"- bà Lan nêu.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo bà Lan, là do cơ chế, quản lý chưa tốt, tâm lý "sợ làm là bị phát hiện sai". Dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 về cơ chế đặc thù chống COVID-19, nhưng khi triển khai, giữa các đơn vị thanh tra, kiểm toán, công an chưa nhìn nhận lẫn nhau, làm chùn bước những người muốn làm việc hiệu quả.

"Nói thẳng để Bộ trưởng mới thấy là chị đang tiếp nhận gia tài thế nào. Vấn đề này tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, nên phải có nhìn nhận, phân tích về bảo hiểm y tế, cơ chế xã hội hóa y tế..."- ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 - 1
ĐB Phạm Khánh Phong Lan

Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện hiện nay tại TP HCM cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm. Theo ĐQBH Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị là rất cấp bách đối với các bệnh viện.

"Tuy nhiên, đến nay cũng đã 8 tháng, Chính phủ và các bộ ngành đã họp rất nhiều, gặp gỡ lắng nghe cũng rất nhiều nhưng chưa có sự thay đổi nào. Nhân viên y tế tại các bệnh viện vẫn đang phải loay hoay để xoay xở khiến cho thời gian làm chuyên môn giảm đi vì chỉ lo tập trung vào mua sắm, đấu thầu. Không chỉ là vấn đề thiếu thuốc mà còn là trang thiết bị y tế"- ĐB Thức nói.

Ông Thức nêu thêm vấn đề gần như bế tắc do vướng mắc các quy định trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Chẳng hạn các máy điều trị cao cấp như CT, MRI, xạ trị… Đây thường các DN sản xuất độc quyền, trong khi quy định hiện nay khi làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì phải có 3 bảng báo giá để đối chiếu. Trong khi đó, là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm độc quyền thì không thể có 3 bảng báo giá…

"Bây giờ các máy cao cấp ở bệnh viện công lập mà hư là không thể nào sửa được và hiện giờ Chợ Rẫy vẫn đang bế tắc về vấn đề này. Một khi một máy CT, MRI dừng hoạt động thì bệnh nhân đi đâu? Hoặc chỉ có thể nằm im chịu trận, hoặc chuyển sang bệnh viện tư. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để điều trị tại bệnh viện tư. Vì vậy, hậu quả là các bệnh nhân nghèo phải chịu"- ông Thức nói.

Theo giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, các vấn đề của ngành y hiện nay là rất khẩn thiết và cấp bách. Vì vậy ông kiến nghị trong thời gian chờ sửa quy định pháp luật thì trung ương cần có nghị quyết riêng để giải quyết những vấn đề bức xúc không thể kéo dài hơn.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến (Nld.com.vn)

Nổi bật