"Đúng thế, chúng tôi thấy rằng một phương pháp trị ung thư, hay làm thay đổi cuộc sống của bệnh nhân ung thư, đang nằm trong tầm tay," giáo sư Ozlem Tureci trả lời người dẫn chương trình Laura Kuenssberg của BBC.
Vaccine ung thư được phát triển dựa trên những thành tựu quan trọng mà giới khoa học đạt được khi tạo ra vaccine ngừa Covid-19, có thể sẽ được sản xuất rộng rãi vào năm 2030, giáo sư Ugur Sahin nói thêm.
"Chúng tôi tin rằng điều này nhất định sẽ xảy ra trước năm 2030," ông Sahin nói với người dẫn chương trình Keunssberg.
Giới khoa học hy vọng rằng loại vaccine mà họ đang phát triển sẽ có thể hướng dẫn cơ thể phát hiện và tấn công tế bào ung thư, sử dụng công nghệ mRNA.
"Mục tiêu của chúng tôi là áp dụng cách tiếp cận vaccine cá nhân để đảm bảo rằng sau phẫu thuật, các bệnh nhân được tiêm vaccine cá nhân, tạo ra phản ứng miễn dịch để tế bào T trong cơ thể bệnh nhân có thể tìm kiếm tế bào ung thư còn lại trong cơ thể và tiêu diệt chúng," giáo sư Sahin giải thích thêm.
BioNTech ban đầu tập trung phát triển công nghệ vaccine mRNA theo hướng cá nhân hóa đối với từng bệnh nhân để chữa ung thư, theo New York Times.
Giáo sư Turecia nói rằng kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện điều trị ung thư, cùng nỗi thất vọng khi không thể chữa trị cho các bệnh nhân đã khiến bà cùng giáo sư Sahin quyết tâm phát triển vaccine cho căn bệnh này.
Quá trình nghiên cứu vaccine ung thư đã góp phần đáng kể và việc tạo ra vaccine Covid-19 mà BioNTech hợp tác sản xuất với Pfizer, và những thành tựu đạt được đã giúp họ có thêm nhiều đột phá trong việc phát triển vaccine ung thư.
Người dẫn chương trình Keunssberg sau đó đặt câu hỏi liệu có khả năng vaccine ung thư mà BioNTech đang phát triển không đạt được hiệu quả như mong muốn hay không.
"Tôi không nghĩ vậy," giáo sư Tureci trả lời. "Tất cả những gì chúng tôi đã biết về hệ miễn dịch và về những thành tựu chúng tôi đã đạt được với vaccine cho thấy, về cơ bản chúng ta có thể huấn luyện cho tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư".
Hà An (Nguoiduatin.vn)