Ông Trần Bắc Hà đã rời Việt Nam?
Trong các ngày từ 28 đến 30/5, tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV là rất nghiêm trọng và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trong chiều 2/6, phóng viên đã nhiều lần liên hệ vào số điện thoại di động của ông Hà nhưng trong tình trạng không liên lạc được.
Nhiều tháng qua, tung tích ông Trần Bắc Hà vẫn là một bí ẩn.
Ông Trần Bắc Hà sang Singapore chữa bệnh?
Trước đó, tháng 8/2017, khi nhiều trang mạng rộ lên thông tin Cựu chủ tịch BIDV liên quan đến đại án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà khi đó trả lời Zing.vn qua điện thoại và khẳng định ông vẫn bình thường.
Tại phiên tòa xét xử ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và 44 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", HĐXX đã yêu cầu triệu tập ông Trần Bắc Hà đến tòa, với tư cách người có nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, người đại diện của ông Trần Bắc Hà cho biết, cựu Chủ tịch BIDV không thể đến tòa theo triệu tập vì đang điều trị bệnh ung thư tại Singapore.
Cụ thể, chiều 13/1, thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết, sau phiên xử sáng, người đại diện của ông Hà là ông Nguyễn Hồng Dân đã đến gặp HĐXX. Ông Dân cho biết ông Trần Bắc Hà đã biết được thông báo về việc phải có mặt tại toà án.
Tuy nhiên, hiện tại ông Hà đang chữa bệnh ung thư và đã nhập cảnh vào Singapore để khám, chữa bệnh tại bệnh viện Glenneagles từ ngày 7/1, nên không thể đến tòa.
Người đại diện của ông Hà cũng cung cấp các tài liệu liên quan như: Bản dịch bệnh án của ông Trần Bắc Hà tại Singapore, bản photo hộ chiếu cho thấy ông này đã nhập cảnh.
Ông Dân cam kết sáng 16/1 sẽ cung cấp toàn bộ hồ sơ, bệnh án của ông Trần Bắc Hà, bản xác nhận của lãnh sự Việt Nam tại Singapore về việc nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đang điều trị tại đây.
Theo tông tin trên báo Tuổi trẻ ngày 13/1, trong các trang hộ chiếu được ông Dân cung cấp, có thể hiện lần cuối cùng ông Hà xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 7-12-2017, qua cửa khẩu La Lay (H.Đăk Rông, Quảng Trị) sang Lào bằng đường bộ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 7/12/2017 tới ngày 7/1/2018, các trang hộ chiếu do ông Dân cung cấp thể hiện, ông Hà rất nhiều lần xuất - nhập cảnh từ Lào đi Thái Lan và ngược lại, hầu hết là bằng đường bộ.
Riêng ngày 7/1, theo dấu visa trên các trang hộ chiếu do ông Dân cung cấp thể hiện, ông Hà xuất cảnh từ Lào đi Thái Lan bằng đường bộ, từ Thái Lan xuất cảnh bằng đường hàng không tới Singapore.
Trên trang thị thực của cuốn hộ chiếu do ông Dân cung cấp có dấu thị thực nhập cảnh vào Thái Lan từ ngày 7/1, có giá trị trong vòng 30 ngày.
Tuy vậy, vào đầu giờ chiều 13/1, nguồn tin của báo Tuổi trẻ khi đó cho biết, theo cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Bắc Hà đang có mặt tại Việt Nam.
Theo nguồn tin, dựa trên cơ sở quản lý của cơ quan chức năng, lần cuối cùng ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất - nhập cảnh là tại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - giáp ranh với Lào), vào đầu tháng 11/2017.
Từ đó đến thời điểm 13/1, dữ liệu chưa ghi nhận ông Hà làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.
Đề cập đến vụ xử bị cáo Trầm Bê, thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết, HĐXX đã ký giấy triệu tập ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang. Trong trường hợp những người này không có mặt, VKS có thể sử dụng lời khai tại cơ quan điều tra.
Suốt thời gian diễn ra phiên xử đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh (từ ngày 8-13/1), VKS liên tục đặt câu hỏi về sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà. VKS cho rằng sự vắng mặt của những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan ở BIDV có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên toà.
Không còn có mặt ở Lào?
Theo thông tin trên báo Người lao động, sau khi nghỉ hưu từ 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà thường xuyên sang Lào để cùng một số người thân triển khai các dự án trồng cây nông nghiệp tại đây.
Vào thời điểm ngày 15/1, khi phóng viên của báo này tìm đến một ngôi biệt thự rộng hơn 1.000m2 tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak (Lào), nơi ông Trần Bắc Hà và những người thân thuê để ở, làm việc mỗi khi sang đây, thì thấy đã được đổi biển hiệu, không còn ai, kể cả chiếc xe ông Hà hay đi.
Cũng theo báo Người lao động, khi có dịp về lại quê hương Bình Định, ông Trần Bắc Hà thường xuyên lui tới sân golf FLC Quy Nhơn để chơi với bạn bè, đối tác.
Ngoài ra, ông cũng hay tới nơi đang triển khai xây dựng dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Đến thời điểm hiện tại, thông tin việc ông Trần Bắc Hà đang ở đâu, làm gì, có thực sự đi chữa bệnh không vẫn là một dấu hỏi lớn.
35 năm công tác tại BIDV
Ông Trần Bắc Hà, sinh năm 1956, quê Bình Định, bắt đầu làm việc tại BIDV tháng 2/1981 và nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016.
Ông Trần Bắc Hà có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV.
Ông Trần Bắc Hà được xem như "linh hồn" của BIDV trong suốt thời gian dài và là người khởi tạo Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản BIDV...
Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.
Trong suốt thời gian qua, đã nhiều lần có tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Cụ thể, năm 2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cùng lúc được tung ra cùng với tin đồn Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3% đã khiến thị trường chứng khoán lao đốc mạnh, giá vàng, USD đồng loạt tăng.
Ngay sau đó BIDV đã bác bỏ tin đồn trên và cho biết đó là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu nhằm mục đích trục lợi.
Sau đó, một số tung tin đồn này đã bị bắt, mỗi người bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nhưng cơ quan công an không công bố danh tính.
Năm 2017, tin đồn ông Hà bị bắt lại rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Hà nói vẫn bình thường.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)