3 cú giảm sốc và đợt chiết khấu 25 tỷ USD
Thêm một đợt “sóng thần” quét qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong bối cảnh nỗi e ngại rủi ro bao trùm trên diện rộng. Cơn bão giảm giá đang gõ cửa từ các cổ phiếu blue-chips cho tới penny, cuốn bay hàng tỷ USD trong túi các nhà đầu tư.
“Lâu lắm rồi thị trường không giảm mạnh như vậy. Hiện tượng 'bấm lệnh bán bằng mọi giá' dường như đang lặp lại. Nó giống như những phiên lao dốc 4-5% gắn liền với những tin đồn bắt bớ đã diễn ra cách đây vài ba năm”, ông Đỗ Tất Thành, một nhà đầu tư tại Hà Nội, chia sẻ.
Theo ông Thành, đợt bán tháo lần này diễn ra không kém gì những phiên hoảng loạn như vụ ông Trần Bắc Hà đồn bị bắt đầu năm 2013 hay sự cố Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) hồi tháng 8/2012.
Tuy nhiên, điểm khác là số tiền vốn hóa thị trường bốc hơi lần này là kỷ lục, lên tới 6-7 tỷ USD mỗi phiên.
Kết thúc phiên giao dịch 19/4, VN-index giảm 43,93 điểm (-3,86%) xuống 1.094,63 điểm. Chỉ số VN30 giảm 4,45%. Riêng trong phiên này, nếu tính chi tiết, vốn hóa trên TTCK đã bốc hơi tổng cộng khoảng 6 tỷ USD bởi các cổ phiếu trụ cột giảm mạnh hơn nhiều so với tốc độ giảm chung trên thị trường.
Trong phiên này, gần như tất cả các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm mạnh. Trong đó, Vingroup (VIC) của ông tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Petrolimex (PLX) và KDC giảm sàn.
Trong phiên liền trước (18/4), chỉ số VN-Index đã mất 15 điểm và tính chung từ đỉnh cao 1.204 điểm ghi nhận hôm 9/4, chỉ số này đã mất tổng cộng 110 điểm (tương đương giảm 9,2%). VN30 thậm chí còn giảm mạnh hơn, mất 135 điểm (-11,3%).
Riêng trong đợt giảm từ đỉnh cao lần này, tốc độ giảm của các cổ phiếu trụ cột thậm chí còn cao hơn mức chung của thị trường như Petrolimex giảm 20%, Vinamilk giảm 15%,... Tính chung vốn hóa thị trường trên cả 2 sàn chứng khoán đã bốc hơi khoảng 13%, từ mức đỉnh cao gần 170 tỷ USD xuống còn khoảng 143 tỷ USD như hiện tại, tức mất 25-27 tỷ USD.
Tính từ đầu năm tới nay, TTCK Việt Nam đã trải qua 3 đợt giảm giá mạnh trong bối cảnh giá cổ phiếu đồng loạt tăng dữ dội cả trong năm 2017 với VN-Index tăng 48% trong năm lịch sử này và tăng tiếp 22% trong hơn 3 tháng đầu năm 2018.
Hồi đầu tháng 2, TTCK chứng kiến 2 phiên đỏ lửa với VN-Index đánh mất hơn 93 điểm (tương đương 8,6%) xuống sát mốc 1.000 điểm. TTCK khi đó đã bốc hơi tổng cộng hơn 300 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 14 tỷ USD).
Tuần đầu tháng 12/2017, TTCK cũng giảm hàng chục điểm từ cột mốc 970 điểm về dưới ngưỡng 920 điểm sau tin dữ về việc khởi tố, bắt tạm giam một số nguyên lãnh đạo ngành dầu khí.
Hiệu ứng chiết khấu rủi ro: “Cá mập” đã ra hàng?
Con “sóng thần” quét bay hàng chục tỷ USD đang khiến thị trường hoảng loạn. Không ít nhà đầu tư cảm thấy lo sợ không biết giá cổ phiếu sẽ còn tụt giảm tới đâu và triển vọng thực sự của thị trường là như thế nào. Con sóng đưa VN-Index lên đỉnh hơn thập kỷ vừa qua có phải là bong bóng hay không?
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, TTCK giảm mạnh là hoạt động chiết khấu rủi ro và đã được dự báo từ trước đó. Hàng loạt tổ chức và CTCK cũng đã đưa ra cảnh báo.
Theo ông Tuấn, có nhiều yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường. Đó là sự lo ngại bất ổn địa chính trị tại Syria; lo ngại về một cuộc chiến thương mại mà phần thắng không nghiêng về nền kinh tế nào; là việc mà các cổ phiếu đã được định giá cao, với P/E chung trên thị trường có lúc lên tới hơn 22 lần sau hơn 1 năm tăng giá; và sự nhạy cảm với địa chính trị nội tại.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cũng cho rằng, thị trường điều chỉnh sau một đợt tăng dài. Nhà đầu tư cảm thấy rủi ro và nhiều người lo ngại về khả năng hạ margin.
Hàng loạt thông tin bất lợi như trên, theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán, có thể khiến các quỹ nội ngoại ngưng giải ngân, chuyển sang giai đoạn tái cơ cấu, bán ròng sẽ nhiều hơn, với mục tiêu loại bớt các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Về lý thuyết, việc chiết khẩu, thị trường giảm điểm sau một thời gian dài tăng mạnh là cần thiết. Giá cổ phiếu sẽ trở nên rẻ hơn và hấp dẫn trở lại. Một số đánh giá cho rằng, mức chiết khấu có thể lên tới 20%, chỉ số P/E chung trên thị trường có thể về mức 17-18, từ mức hơn 22 lần ở đỉnh. Một số thông tin cũng cho biết, các kế hoạch thoái vốn có thể được trì hoãn qua tới hết quý 3.
Cú giảm mạnh trên thị trường một phần còn được cho là các NĐT lo sợ không chỉ khả năng hạ margin từ 50% xuống 40% mà còn là việc siết các công ty cho vay ngoài luồng tỷ lệ cao, đầu tư vào TTCK.
Thị trường cũng có một số rủi ro như khả năng đánh thuế tài sản. Ngân sách eo hẹp, hội nhập khiến nguồn thu thuế xuất nhập khẩu tụt giảm, thì việc tăng thuế nội địa là khó tránh khỏi. Nhưng nếu thuế tài sản ở mức cao thì thị trường bất động sản - vốn là động lực cho nền kinh tế thời gian qua, có thể sẽ lao dốc.
Việc khoan sức dân, giữ ổn định cấu trúc xã hội là cần thiết. Chi ngân sách có thể thực hiện thông qua việc chi tiêu hiệu quả, giao cho khu vực kinh tế làm, giảm sự cồng kềnh trong quản lý,...
Triển vọng chung trên TTCK năm 2018, theo ông Tuấn, vẫn tươi sáng nhưng không bằng năm 2017. TTCK có thể sẽ ổn định và tăng trở lại vào cuối năm và P/E lên trở lại quanh mức 20 lần, ngang bằng với khu vực. Đợt sóng điều chỉnh lần này là tích cực và nền tảng cho đợt phát triển 5 năm tới, lui một bước tiến nhiều bước.
Trong năm vừa qua, các doanh nghiệp, ngân hàng và CTCK,... có kết quả kinh doanh ấn tượng và triển vọng tươi sáng.
Theo V.Hà (VietNamNet)