Video: Hình ảnh chuẩn bị lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Đó là một ngày tháng 5/1975, ông Phan Văn Khải trở về nhà sau hàng chục năm đằng đẵng đi kháng chiến và tập kết. Đó cũng là lần đầu tiên bà Dự được gặp anh hai, chị dâu và cháu.
“Người ta chạy đến nhà gọi má tôi: ‘Bà Năm ơi bà Năm, con bà về rồi’. Lúc đó cả gia đình mới biết, rồi má tôi cứ ôm anh Khải mừng mừng tủi tủi”, bà Dự nhớ lại.
Cuộc đoàn viên sau gần 30 năm
Cô em gái lúc đó đã 27 tuổi cũng chạy ra ôm anh. Trước đó, bà Dự chỉ biết đến người anh cả qua những bức ảnh mà ông cậu đưa về. Đó là bức ảnh ông Phan Văn Khải chụp năm 1963 lúc đang tập kết ra Bắc.
“Hồi chiến tranh các anh đi tham gia cách mạng, người ta chỉ biết các em nhỏ sau này thôi. Má tôi giấu không nói gì về các anh cả. Nếu biết các anh đi kháng chiến, đi tập kết, chính quyền sẽ làm khó dễ gia đình”, bà Dự chia sẻ.
Ông Phan Văn Khải tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp tại miền Nam từ năm 1947. “Năm đó, ba vừa hy sinh. Mấy chú ở địa phương nói Khải ơi đi trả thù nhà, trả thù nợ nước. Ba vừa mất, rất đau buồn nhưng anh vẫn thoát ly gia đình đi làm cách mạng. Giải phóng xong nửa tháng thì anh về”, người em gái rưng rưng nói.
Trong gần 30 năm xa nhà, ông Phan Văn Khải ra Bắc, đi Liên Xô học tập và trở về miền Nam sau ngày thống nhất đất nước. Từ năm 1973, ông là một trong những thành viên của Ủy ban Thống nhất của Chính phủ. Năm 1976, ông Phan Văn Khải làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM.
“Tối đó, gia đình mổ gà làm cơm. Bà con Củ Chi đến chơi chật nhà. Có người còn mang gà tới để góp vào bữa tiệc đoàn viên của nhà má Năm. Có người ở chơi tới đêm để nghe chuyện của anh hai”, bà Dự bồi hồi.
Anh Khải yêu và kính trọng má, thương các em
Về nhà ít ngày, ông Khải lại bận rộn với bộn bề công việc của đất nước. Nhưng một người con trai trở về sau chiến tranh là nỗi mừng vui khôn xiết đối với gia đình.
“Ba người con hy sinh, còn mỗi anh cả trở về, má tôi cũng có niềm vui lúc tuổi già. Các em vui mừng vì có một người anh như anh Khải”, bà Dự tự hào.
Em gái nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết thời gian đau ốm của ông khá ngắn. Khi ốm nặng, ông được gia đình chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi đi Singapore.
Hồi ông qua Singapore điều trị, bà có qua thăm nhưng ông không nói được gì. "Tôi chỉ đứng nắm chặt tay anh rồi hỏi ‘Anh qua bên đây điều trị có thấy sức khoẻ tốt hơn không?’. Anh gật đầu nhưng tôi biết anh chỉ gật cho vui lòng em gái thôi. Sự thật là hai hàng nước mắt rưng rưng, tôi biết anh đang đau đớn lắm", bà chùng giọng.
Cách đây một tuần, bà Dự xuống thăm anh trai. Lúc này, người thân chỉ có thể đứng ở ngoài nhìn qua cửa kính. "Có lần duy nhất mấy cậu bảo vệ lùa cửa sổ cho tôi hỏi thăm. Cô điều dưỡng nói anh có mở mắt và gật đầu, tôi mừng vô kể", bà Dự chia sẻ. Chiều ngày 16/3, lần cuối xuống thăm, bác sĩ thông báo sức khoẻ của ông Phan Văn Khải đi xuống.
Xung quanh là dòng người tới viếng anh trai mình, bà Dự nước mắt nghẹn ngào: "Những ngày qua, cứ trông từng giờ từng phút cho anh qua cơn bạo bệnh nhưng anh không qua khỏi. Bây giờ phải chấp nhận sự mất mát lớn lao..."
Và trong ký ức của những người ở lại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dù từng là người đứng đầu đất nước vẫn là con người bình dị, thương các em, quý trọng mẹ, luôn giúp đỡ những người xung quanh. Bà Dự nói, sự ra đi này không gì có thể bù đắp được.
Tổ chức quốc tang 2 ngày
Theo thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8h, ngày 20/3 đến hết ngày 21/3.
Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo Hà Hương (Tri Thức Trực Tuyến)