Hàng loạt các tờ báo nổi tiếng như ABC News, New York Times, Washington Post, Fox News, AP (Mỹ), Daily Mail, Reuters (Anh), Straitstimes (Singapore),… đã đưa tin về việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần ở tuổi 85.
Cơ quan thông tấn AP - dẫn lại lời của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – viết cố Thủ tướng Khải là một trong những thủ tướng “cởi mở với cải cách” nhất của Việt Nam.
AP còn khẳng định: “Ông Khải giám sát sự phát triển kinh tế nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong 9 năm tại nhiệm từ năm 1997 tới năm 2006”.
Đồng tình với quan điểm này, tờ Straitstimes nhận định giai đoạn mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhiệm là “một thời kỳ cải cách khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Nam Á”.
Ngoài ra, tờ báo của Singapore còn dẫn lại lời của hãng tin Pháp rằng: “Ông Khải đã ghi tên mình vào lịch sử khi là nhà lãnh đạo Việt Nam thời hậu chiến đầu tiên ghé thăm Washington vào năm 2005 – một chuyến đi đặt dấu mốc quan trọng, giúp gắn kết mối quan hệ giữa hai nước từng là kẻ thù”.
Trong khi đó, BBC cũng đã dẫn lời của các nhà nghiên cứu về hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông Phan Văn Khải:
"Là Thủ tướng, ông rất coi trọng các chuyên gia tư vấn, ông đã lập ra Ban Nghiên cứu của Thủ Tướng và chính ông đã yêu cầu các chuyên gia ở Ban này xem xét các văn bản quan trọng như Nghị Định, quyết định đầu tư. Trước khi ký, ông chịu nghe lời khuyên can, thảo luận thẳng thắn và chân thành của các chuyên gia.
Ông đã chuyển giao một nền kinh tế tăng trưởng ổn định tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, hội nhập quốc tế, ngoại thương phát triển, bội chi ngân sách và nợ công được kiểm soát. Ông xứng đáng được coi là một Thủ tướng có công lao lớn, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam", ông Lê Đăng Doanh - Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải (1993-2006).
"Trong khi những nhà cải cách tiền nhiệm đã nỗ lực mở cửa kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải có chỗ đứng trong lịch sử nhờ tài năng lèo lái chính trị phức tạp trong quan hệ thương mại Mỹ - Việt.
Chính trong nhiệm kỳ của ông, Việt Nam rất có thể dễ dàng khép cửa, đi theo hướng khác sau khi xảy ra tranh chấp thương mại cá ba sa, các cuộc bỏ phiếu thất bại ở quốc hội Mỹ làm chậm lại việc thông qua thỏa thuận thương mại song phương Mỹ - Việt. Quyết tâm của ông Khải với thị trường tự do đã đặt Việt Nam ở trong vị thế may mắn như hôm nay", ông Regina Abrami - Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế, Viện Lauder, Mỹ.
Theo Tiểu Đào (Dân Việt)