Sáng 25/11, với đa số phiếu bầu, ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được bầu làm Tổng thư ký Quốc hội.
Với 395/465 tổng số đại biểu có mặt tại hội trường tán thành, ông Nguyễn Hạnh Phúc trở thành Tổng thư ký Quốc hội kể từ 1/1/2016 - cùng thời điểm hiệu lực với Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2014).
|
Ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: quochoi.vn.
|
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực tế lâu nay ông vẫn thực hiện công việc của một tổng thư ký (ông Phúc là Trưởng đoàn thư ký kỳ họp, người phát ngôn của Quốc hội...).
Theo ông, trên thế giới còn rất ít nước giữ chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Một trong những mục đích của chức danh này là để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.
Cũng theo luật này, Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.
Trong sáng 25/11, Quốc hội đồng thời phê chuẩn danh sách 4 Phó chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia được trình một ngày trước đó và hoàn tất việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
Điều 98, Luật Tổ chức Quốc hội quy định Tổng thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; b) Phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; c) Là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; d) Tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp; đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao. |
>> Ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia
>> Chủ tịch nước, Thủ tướng có 3 phút tuyên thệ nhậm chức
>> Chốt ngày 22/5/2016 bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14
Theo Nguyễn Hưng (Zing.vn)