Ðốc thúc thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Lo phí chồng phí, vắt kiệt sức dân

20/12/2018 08:36:44

Theo các chuyên gia kinh tế, xăng dầu đã phải chịu tới 4-5 loại thuế. Khi sử dụng xăng dầu, người dân lại phải đóng thêm thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, không khác nào phí chồng phí, vắt sức dân khi thu nhập của họ chưa cao.

Ðốc thúc thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Lo phí chồng phí, vắt kiệt sức dân
Ðến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6 triệu mô tô, xe máy. Ảnh: Như Ý

Thu phí không phải bù ngân sách?

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải (GTVT), Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...

Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này nghiên cứu dự thảo nghị định và trình Chính phủ ban hành để thu phí.

Đáng chú ý, hồi tháng 5/2016, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, Bộ GTVT đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của 2 bộ này. Cho nên, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn thúc giục như đã nói ở trên.

Theo Bộ Tài chính, ngày 16/10/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Ngày 28/8/2018, Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo lượng khí thải của xe cơ giới đường bộ xả ra thông qua đăng kiểm phương tiện.

Chính quyền TP Hà Nội cho rằng, sự gia tăng của phương tiện giao thông “đã ở mức báo động”. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6 triệu mô tô, xe máy. Đến năm 2030 thì số ô tô là hơn 1,9 triệu, còn xe máy là hơn 7,5 triệu chiếc. Vì vậy, UBND TP Hà Nội khẳng định việc quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải hết sức cần thiết.

Mới đây, Sở GTVT TPHCM cũng có văn bản đề xuất lãnh đạo thành phố này xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.

Lo phí chồng phí

Hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Năm 2015, số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên được 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt. Với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2015 thu được hơn 1.900 tỷ, đến năm 2017 thu được gần 2.500 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, mục tiêu đề án thu phí đối với phương tiện vào nội đô không phải để tăng thu ngân sách, mà là biện pháp để người dân lựa chọn tuyến đường đi hợp lý nhất, vừa bảo đảm nhu cầu đi lại và yêu cầu tổ chức giao thông của thành phố, vừa kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường cho các khu vực có nguy cơ.

“Họ sẽ phân loại mức độ khí thải gây ô nhiễm để xác định các mức phí. Đây cũng là bài toán rất khó đối với Hà Nội khi xác định khu vực thu phí, khu vực ùn tắc và đối tượng thu phí. Dự kiến đề án sẽ được trình lên HĐND TP trong năm 2019. Sau đó, trình Thủ tướng xem xét”, ông Viện cho biết thêm.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết, một cách để giảm ùn tắc giao thông, giảm tải các tuyến phố trong nội thành. Tuy nhiên, vấn đề là thu thế nào, có thu được không, bảo đảm công bằng giữa các phương tiện giao thông hay không, khoản tiền thu đó sẽ được thành phố sử dụng làm gì thì cần phải đặt câu hỏi.

“Chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/mỗi lít xăng (từ 1/1/2019 tăng lên 4.000 đồng). Như vậy, việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là không đúng, có hiện tượng phí chồng phí. Với phương tiện giao thông, ví dụ ôtô, có quy định tiêu chuẩn mức xả thải ra môi trường như tiêu chuẩn Euro 2, Euro 1. Như vậy, phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường phải dựa vào tiêu chuẩn xả thải của phương tiện, phụ thuộc vào tuổi xe”, ông Liên phân tích.

Ngoài ra, ông Liên cũng cho rằng, trước khi đưa ra mức phụ thu đối với khí thải ô nhiễm môi trường, cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường của Hà Nội.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. “Từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần. Khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ bởi lẽ, khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân”, TS Ngô Trí Long bày tỏ.

- Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy lo ngại: “Ðời sống người dân còn rất khó khăn, việc phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện cần xem lại bởi trong giá xăng đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện giao thông thì có nghĩa là thu phí hai lần”.

- Tổng mức thuế, phí trong giá xăng dầu hiện chiếm tới 54% giá thành của mặt hàng xăng dầu. 

Theo Tuấn Nguyên (Tiền Phong)

Nổi bật