Sáng nay, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận tất cả các điểm quan trắc đều lên ngưỡng xấu với chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-200. Một số điểm đo ô nhiễm nhất như trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Mã, khu đô thi Pháp Vân – Tứ Hiệp.
Điểm đo tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận chất lượng không khí lên ngưỡng xấu với khuyến cáo những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hô hấp, tim mạch gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Hệ thống quan trắc PAM Air với mạng lưới rộng khắp cả nước còn ghi nhận ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…với mức độ ô nhiễm ở ngưỡng kém (chỉ số AQI từ 100-150, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm nhạy cảm), ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người) và ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài liên tục và ngày càng nghiêm trọng cho đến khoảng 17/1, khi nước ta đón một đợt gió mùa đông bắc mạnh tràn về.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm không khí lạnh suy yếu như hiện nay thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến cho chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao mà đọng lại ở bề mặt, làm nồng độ chất ô nhiễm tăng cao.
Tổng cục Môi trường cho biết, các nghiên cứu khoa học đã giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Cơ quan này lưu ý thêm, với các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa Đông, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh khu vực phía Bắc.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chia sẻ, dù ô nhiễm không khí liên quan chặt chẽ đến điều kiện khí tượng nhưng phải khẳng định, khí tượng không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí là do hoạt động phát thải từ nhiều nguồn như giao thông, xây dựng, công nghiệp, hoạt động dân sinh, trong điều kiện khí tượng không thuận lợi thì ô nhiễm nghiêm trọng.
Tổng cục Môi trường cho biết, từ nay đến hết mùa đông, một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)