"Nữ quái" 30 năm trèo dừa mưu sinh ngay cả lúc bụng mang dạ chửa

30/03/2015 13:16:33

Để có cái ăn cái mặc lo cho gia đình, bà Mười Hai đã chấp nhận đu mình trên những ngọn dừa cao vút - một công việc ngay cả đàn ông còn không dám làm.

Để có cái ăn cái mặc lo cho gia đình, bà Mười Hai đã chấp nhận đu mình trên những ngọn dừa cao vút - một công việc ngay cả đàn ông còn không dám làm.

Kiếm sống trên thân cây

Người phụ nữ mà chúng tôi nhắc đến là bà Nguyễn Thị Mười Hai (53 tuổi, ngụ ấp Bờ Xe, xã Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với biệt danh “nữ quái” trèo dừa..
 

Bà Mười Hai cười khi mọi người gọi mình là “nữ quái” (ảnh Thơ Trịnh).

 
Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, men theo con đường đất lầy lội, chúng tôi tìm đến nhà “nữ quái” cũng là lúc trời đứng bóng. Ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà nằm thụt sâu bên trong con hẻm vắng. Thấy khách lạ ghé thăm, ông Đỗ Văn Lợi (SN 1963, chồng bà Mười Hai) đon đả mời chúng tôi vào nhà.

Ông Lợi chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi có bốn người con. Bao năm lao động vất vả, nguy hiểm rình rập, thế nhưng đến bây giờ tài sản của gia đình cũng chỉ là những bữa cơm đạm bạc”.

Khi chúng tôi đề cập đến biệt danh “nữ quái” mà người dân đặt cho vợ ông - bà Mười Hai, ông Lợi khẽ cười: “Sở dĩ người ta gọi như vậy là vì trong xứ sở miền Tây này đâu có ai như bà xã tôi. Đã 53 tuổi rồi mà ngày ngày vợ tôi vẫn đánh đu, mưu sinh trên ngọn dừa. Thậm chí có những cây dừa cao chót vót, trời gió lớn, thanh niên trai tráng còn ái ngại. Thế nhưng, bà xã tôi vẫn leo lên thoăn thoắt và chưa trừ một cây nào”.

Như để minh chứng, ông Lợi liền gọi với ra sau bảo bà Mười Hai thực hành công việc leo dừa để chúng tôi được tận mắt chứng kiến. Từ trong bếp đi ra, bà Mười Hai dáng người khắc khổ, khuôn mặt cháy nắng, đôi bàn tay thô ráp xách theo cái liềm, sợi dây thừng dài và dây nài (dụng cụ leo dừa) tiến thẳng đến vị trí cây dừa trước cửa. Sau khi đeo nài vào chân, liềm giắt ngang lưng, chỉ trong nháy mắt bà đã ngồi tít trên ngọn cây cao. Từng động tác được bà Mười Hai thực hiện thuần thục, chuyên nghiệp khiến nhiều người phải trầm trồ kinh ngạc.
 

Người phụ nữ tuổi 53 trèo dừa như sóc (ảnh Thơ Trịnh – Hồ Nam).

 
Thế nhưng, nhìn sang bên, chúng tôi thấy ông Lợi thấp thỏm không yên. Ông bùi ngùi tâm sự: “Trèo dừa là công việc vất vả, nguy hiểm chỉ dành cho đàn ông. Tôi là người chồng, trụ cột gánh vác gia đình, thế mà để vợ ngày ngày phải mạo hiểm đánh cược mạng sống trên những ngọn dừa vắt vẻo. Đau lòng lắm, tôi có thể làm bất cứ công việc gì ngoài việc trèo dừa tập hàng trăm lần vẫn không tài nào làm được.

Nhiều khi trời mưa gió, đứng dưới thấy vợ leo trèo nguy hiểm, lòng tôi nóng ran như lửa đốt. Thương vợ, tôi quyết tâm tập tành leo trèo nhưng cứ leo lên được chừng năm mét thấy hoa mắt, chóng mặt lại tụt xuống. Thấy vậy, tôi nhiều lần ngăn cản vợ nhưng bà ấy vẫn quyết tâm gắn bó với cái nghề ít ai dám màng tới. Thôi thì hai vợ chồng cố gắng động viên, an ủi nhau ráng kiếm tiền lo cho các con. Đó là niềm an ủi lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi”.

Trải lòng của người phụ nữ mang biệt danh “nữ quái”

Hồi hộp, nín thở phải đợi đến khi bà Mười Hai đặt chân xuống đến mặt đất an toàn, chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù có vẻ bề ngoài khô cứng nhưng có trò chuyện mới biết bà Mười Hai là một người dí dỏm, hài hước, đặc biệt ở nụ cười hiền hậu đến lạ.

Nói về cái duyên đến với nghề đặc biệt này, bà kể: “Tôi còn nhớ như in, những lần đầu tiên trèo dừa tôi không khỏi rớm nước mắt. Bởi tay chân phỏng nước, đau rát nhưng vẫn cố tập trèo dừa cho bằng được. Mồ hôi quyện nước mắt, thời ấy tôi chỉ kiếm được 1 ngàn đồng/cây dừa. Thế nhưng, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, tôi vẫn âm thầm vừa giúp người làng vừa kiếm tiền phụ mẹ mua con cá, mớ rau. Có lẽ đó cũng là cái duyên tôi đến với nghiệp hái dừa mấy chục năm nay”.

Cứ như thế, một ngày làm việc của bà Mười Hai bắt đầu từ sáng sớm và trở về nhà lúc chập tối trong trạng thái chân tay phỏng rộp, ê ẩm khắp người. “Khối lượng công việc nhiều, có ngày tôi phải vật vã leo đến cả trăm cây dừa cao chót vót. Không kể trời nắng hay mưa gió bão bùng, cứ có người gọi là tôi lại đi. Công việc cứ thế kéo dài hết năm này đến năm khác”, bà Mười Hai chia sẻ.

Lấy chồng ở tuổi 23 nhưng vì không có một tấc đất cắm dùi, không nghề nghiệp ổn định nên hai vợ chồng bà lại cặm cụi làm thuê, làm mướn đủ nghề. Vất vả là vậy nhưng cơm vẫn không đủ ăn, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi đứa con đầu lòng chào đời, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng hơn bao giờ hết. Sau nhiều đêm bàn tính, hai vợ chồng quyết định vay của người bạn thân số tiền 1,2 triệu đồng mua chiếc xe đạp ba bánh để vợ hái dừa, chồng chất lên xe đi bỏ mối.

Ông Lợi cho hay: “Ngày ấy, đường sá lầy lội, nên công việc vận chuyển, hái dừa của vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn. Vợ tôi vốn tham công tiếc việc, sau khi đi hái dừa về còn lặn lội ra sông, rạch bắt ốc kiếm thêm tiền. Nghĩ lại mà xót xa lắm”.

Bà Mười Hai chia sẻ: “Vất vả lắm nhưng cuộc sống vẫn giậm chân tại chỗ, có những thời điểm khó khăn trong nhà không còn hạt gạo để ăn, con khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Lúc ấy, mặc dù đang mang thai đứa con thứ hai nhưng tôi vẫn phải bôn ba, hằng ngày vẫn đu mình trên ngọn cây để có cái ăn sống qua ngày. Có lần, tôi mang bầu ba tháng nhưng vẫn gắng trèo dừa nên bị té vì kiệt sức”.

Nói đến đây, bỗng bà Mười Hai ngậm ngùi: “Điều khiến tôi đau đớn nhất là dù mình vất vả trăm bề nhưng cuộc sống của các con tôi cũng không tốt lên được. Cứ thế, mỗi lần sinh xong được vài tháng tôi lại đi trèo dừa kiến tiền mua gạo cho các con. Bọn trẻ đâu được sống như bây giờ, tôi pha nước gạo cho con uống thay sữa. Thậm chí, vì không ai trông nom, vợ chồng tôi lại đèo bòng các con ra ruộng dừa rồi cột chân chúng lại một góc để đi hái dừa.

Những ngày tháng sống trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát, cứ hễ trời mưa là cả gia đình ngồi bật dậy, co cụm một góc và thức suốt cả đêm. Thế nhưng, được cái ông trời vẫn còn thương cho vợ chồng tôi sức khỏe để làm ăn. Giờ vợ chồng tôi đã có một khối tài sản khổng lồ, đó chính là bốn đứa con ngoan hiếu thảo. Mấy tháng nay, thấy tôi ngày càng yếu nên các con không cho tôi trèo dừa nữa mà chỉ đứng ở dưới phụ. Nhưng nếu thấy các con làm không kịp thì tôi vẫn âm thầm hái kịp giao cho mối”.

Nói về những hiểm nguy từ công việc trèo dừa của mình, bà tâm sự: “Nghề trèo dừa đối diện với không ít nguy hiểm khó lường. Không ít lần, vừa trèo lên đến ngọn dừa là tôi bị một bầy ong, kiến đỏ lao ra đốt. Vô cùng đau đớn nhưng sợ buông tay sẽ té ngã nên tôi lại cắn răng chịu đựng hái xong dừa rồi mới tụt xuống.

Đó là chưa kể vừa trèo lên đến ngọn cây gặp phải rắn lục, nếu người nhát gan thì chỉ có ngã từ trên cây xuống mất mạng. Thậm chí, có lần tôi còn bị điện giật tê tái người cũng chỉ vì trèo dừa thuê. Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng thấm thoát đã hơn 30 năm nay tôi gắn bó với nghề trèo dừa kiếm sống. Đó là khoảng thời gian đủ để tôi trải nghiệm những thăng trầm trong cuộc đời”.
 
Gia cảnh khốn khó
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ấp Bờ Xe cho biết: “Gia đình bà Mười Hai đông con. Trước đây, gia đình bà có cuộc sống rất khó khăn nhưng mấy năm nay nhờ con cái lớn, chịu khó lăm ăn nên đã đỡ hơn rất nhiều. Quanh năm, cả gia đình sống bằng nghề trèo dừa mướn. Đây là công việc rất vất vả nhưng bà Mười Hai rất gan dạ và trở thành người phụ nữ leo dừa giỏi nhất ở đây”. 
 
Theo Thơ Trịnh - Hồ Nam (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật