Tiếng máy thở, máy đo nhịp tim lại âm vang trong căn phòng bệnh nặng của khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Điều dưỡng Hồ Linh Duy (51 tuổi, quê Đồng Tháp) lật đật chạy vào khi biết bệnh nhân nằm trên giường đang diễn tiến nặng.
Người chứng kiến sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc
"Bà cụ này bị nhiễm trùng rất nặng, đã thở máy nhiều ngày rồi. Bà được điều trị kháng sinh, lọc máu liên tục. Bệnh nhân bên kia thì được rửa dạ dày, theo dõi sinh hiệu và dùng thuốc giải độc vì bị ngộ độc nặng. Ngày nào cũng có lọc huyết tương.
Có người thì bị nhồi máu cơ tim nặng đến ngưng tim, ngưng thở. Ở đây, sự sống cái chết nhiều khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Những ngày cao điểm quá tải, mỗi điều dưỡng phải cáng đáng đến 4-5 bệnh nhân. Nhiều buổi trưa chúng tôi chọn ăn mì gói cho nhanh để còn tiếp tục công việc, tranh thủ cho xong. Đến chiều về mới được ăn cơm…" – điều dưỡng Duy chia sẻ.
28 năm công tác tại khoa bệnh nặng, điều dưỡng Duy không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần mình buồn bã khi nhìn bệnh nhân bị kéo từ băng ca xuống nhà xác.
Và cũng không ít trường hợp chị cùng đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân có những lời lẽ thóa mạ, thậm chí dọa đánh vì cho rằng nhân viên y tế có lỗi khiến bệnh nhân nguy hiểm tính mạng.
"Lần đó có một người phụ nữ chơi ma túy quá liều đến sốc thuốc, sùi bọt mép. Vì cô ấy cứ luôn huơ tay múa chân không hợp tác, tôi phải đến siết lại để cố định chích thuốc.
Nhưng bất ngờ người chồng từ bên ngoài lao nhanh về phía chúng tôi buông lời mắng chửi và suýt tấn công vì cho rằng chúng tôi coi thường người nhà anh ta.
Mãi một lúc sau khi nghe giải thích và bình tĩnh lại, mọi thứ mới êm xuôi" – diều dưỡng Duy nói.
Lần khác, một cô điều dưỡng tên Vy đang chăm sóc, rửa dạ dày cho bệnh nhân ngộ độc thì có người vào thăm bệnh. Vì trong khoa đông lại chưa đến giờ thăm nên vị này ra sức giải thích.
Tuy nhiên người nhà bất ngờ lồng lộn lên tiến tới nắm lấy tay người điều dưỡng định tấn công.
"Thoát kịp, nhưng tôi nói điều dưỡng Vy đến tối khuya hãy lén về vì họ gọi thêm nhóm người xăm trổ ở bên ngoài bệnh viện phục sẵn chờ đánh cô ấy. Bây giờ Vy đã bỏ nghề và chuyển sang làm giáo dục rồi vì không chịu nổi áp lực, nguy hiểm" - diều dưỡng Duy kể lại.
Trở thành chuyên gia tâm lý của bệnh nhân và đồng nghiệp
Dù có rất nhiều chuyện buồn đã xảy ra, động lực khiến điều dưỡng Duy cố bám trụ với nghề là những lúc giúp đỡ bệnh nhân, gia đình họ hạnh phúc thoát khỏi những cơn nguy kịch.
"Tôi nhớ mấy năm trước có một ông nhà báo già đến nhập viện vì tự tử không thành. Lại giường hỏi, ông ấy nói mình tự ti cực độ vì người vợ suốt ngày chì chiết chồng chẳng ra gì, việc làm ba cọc ba đồng.
Nghe vậy, tôi liền liên hệ người nhà rồi nói chuyện với các con của bệnh nhân, bảo họ hãy quâm tâm sức khỏe của cha và giải thích cho mẹ hiểu rằng gia đình hôm nay thế nào, con cái học hành nên người đều có công của ông ấy. Chỉ vài ngày sau gia đình ông có con trở lại và tìm cho được điều dưỡng để cảm ơn. Tôi vui lắm" – chị Duy nói.
Với đồng nghiệp, điều dưỡng Duy cố gắng làm tấm gương đi trước, chia sẻ mọi kinh nghiệm cho đàn em. Mỗi lần có ai muốn nghỉ, chị Duy lại đến tìm hiểu và khuyên nhủ.
"Tôi nói với người muốn nghỉ nghề bận rộn và rất áp lực nhưng em đặt hết tâm huyết vào nó là sẽ sống được. Cũng như tôi ngày xưa lúc theo nghề gian khổ trăm bề nhưng cũng được chị điều dưỡng trưởng thương vì siêng năng chịu khó, tháng nào cũng cho thêm tiền.
Đã làm nghề này thì phải luôn luôn nhớ đến 2 chữ y đức. Tôi bây giờ chỉ muốn làm tốt công việc đến suốt đời, để làm sao chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân" – nữ điều dưỡng giải thích.
Điều dưỡng làm thơ, đọc thơ khi stress
Hỏi những lúc rãnh ở nhà lẫn trên viện chị thường ăn gì, điều dưỡng Duy đáp hồn nhiên:
"Tôi với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là anh em họ. Dính chút dòng máu văn chương nên tôi cũng… thích thơ lắm. Những lúc stress hoặc vắng bệnh nhân, tôi tranh thủ làm mấy bài thơ để đọc cho vui mà còn là tâm sự của người điều dưỡng nữa…" – điều dưỡng Duy giải thích.
Đó là những câu từ giàu vần điệu miêu tả công việc chân thực qua bài thơ Tâm sự ICU:
"Hết sáng rồi lại chiều đêm
Vào ca chạy tiếp liên miên hết giờ
Chuyên môn không được thờ ơ
Tập trung công việc sạch dơ phải làm
Vệ sinh răng miệng hút đàm
Sáng trưa chiều tối phải làm đều tay
Kế đến công việc thứ hai
Tiêm truyền uống thuốc hai tay không ngừng
Chưa kể những lúc bệnh đông
Nhồi tim bóp bóng tưng bừng cả khoa
Vậy mà các bác không tha
Ra nhiều y lệnh đến hoa mắt người…".
Sau những cực khổ ban đầu, điều còn lại là tinh thần lạc quan và điều ước vì người bệnh của nhân viên y tế:
"Vậy mà vẫn cố mỉm cười
Đánh lừa bình tĩnh cho người an tâm
Lòng thành khẩn vái lâm râm
Cầu cho bệnh ổn cả năm con nhờ…".
Đọc xong, điều dưỡng Duy cười thoải mái. Chị bật mí khi nào về hưu sẽ "xuất bản" một bài thơ khác kể về hành trình gần 30 năm làm nghề với đầy ắp nỗi nhớ của mình. Với người phụ nữ, đến giờ này chị vẫn còn nguyên niềm cảm hứng với nghề.
Theo Hoàng Lê (Helino)