Học ra trường, ai cũng hy vọng được vào làm trong những công ty đúng như nguyện vọng với mức lương ổn định, rồi gắn bó lâu dài, từng bước nâng cao vị trí. Tuy nhiên, sự thật không như là mơ bởi "nguyện vọng" của mỗi người, nhất là người trẻ luôn trong tầm mắt ngoài tầm tay, với cao thật nhiều rồi cũng thất vọng thật nhiều, điều này đã dẫn đến một thực trạng vô cùng đáng lo lắng, đó là nhảy việc. Mới đây, xoay quanh đề tài này đã có một câu chuyện được sẻ chia trên MXH khiến không ít người xôn xao:
"Nhờ mọi người cho mình xin ý kiến về vấn đề "nhảy việc" với. Mình 25 tuổi mà đã trải qua 4 chỗ rồi. Mình biết nhảy việc nhiều sẽ làm xấu CV nhưng quả thực mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Quan điểm của mình là "đất lành thì chim đậu", nơi nào môi trường không tốt, không có nhiều cơ hội thì mình đi thôi. Nhảy việc cũng có cái lợi và cái hại, nhưng đối với mình sau những lần nhảy việc mình thấy học được rất nhiều thứ.
Nhiều người có thể sẽ có cái nhìn không thiện cảm với những người hay nhảy việc, nhưng tuổi trẻ mà, mình cũng có quyền được bán sức lao động của bản thân ở nơi tốt nhất chứ. Mọi người nghĩ sao về vấn đề này, cho mình xin ý kiến với".
Câu chuyện được đăng đàn không bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng, nhất là hội anh chị em công sở. Và với nội dung chính thuộc đề tài nóng hổi này, có rất nhiều ý kiến đan xen khác nhau xuất hiện bên dưới phần bình luận. Người đồng tình thì cho rằng chàng trai nhân vật chính "tự do tự tại", nhảy việc cũng là một cách góp nhặt trải nghiệm cho bản thân; người không đồng tình lại nói người trẻ hay nhảy việc chỉ là "ngựa non háu đá", "ảo tưởng" nhất thời,...
Trong số các bình luận, dưới đây là những ý kiến đáng chú ý nhất:
"Cùng tư tưởng. Chỗ nào không ổn chỗ khác offer đã hơn thì cứ nhảy. Sự nghiệp văn phòng không dài nên cứ nhảy việc sao cho bản thân cảm thấy hài lòng nhất thôi".
"Thực tế mà nói thì bạn làm gì tốt cho bạn thì cứ làm thôi. Nhưng mình cũng không thích những người nhảy việc nhiều lắm, vì họ không tìm hiểu công việc mình định làm gì trước, cứ apply vào rồi lại nhảy. Đứng núi này trông núi nọ, thiếu kiên nhẫn và sự phấn đấu. Riết rồi thành quen, thấy gì khó là bỏ rồi thành bản tính bạn ạ".
"Bắt đầu đi làm từ 22 tuổi và khi 25 tuổi người ta có thể đã là trưởng phòng - phó giám đốc,... với thu nhập gấp 10 lần ngày đầu tiên lơ ngơ ra trường, còn bạn vẫn đang mải miết đi thử việc và sắp hài lòng với công việc mới có thu nhập cao hơn so với 3 năm trước khoảng 3-4 triệu. Tuy không có doanh nghiệp nào hoàn hảo nhưng ông sếp nào cũng đủ khôn để biết người ở lại cuối cùng với mình qua giai đoạn công ty khó khăn là người mình cần trọng dụng".
Quả thật, nhảy việc là một vấn đề có hai mặt tốt và xấu khác nhau. Người nhảy việc thành công thì khuyên nên nhảy, người nhảy việc thất bại thì gợi ý là không nên. Đó có lẽ chính là lý do mà với câu chuyện này, hội anh chị em công sở đã chia sẻ khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là đối nghịch.
Thẳng thắn mà nói hành động nhảy việc vốn chẳng ai cấm nhưng nhảy như thế nào và tại sao phải nhảy không phải ai cũng biết. Kết quả của việc nhảy nhót từ công ty này sang công ty khác thành công hay thất bại đôi khi không chỉ nhờ vào yếu tố may mắn hoặc "thiên thời địa lợi" mà thành.
Vậy nên, hy vọng mỗi người ngay từ thời điểm "ngứa chân muốn nhảy" hãy tự phân tích chính mình bằng một số câu hỏi đại loại như "điều gì không hài lòng ở công ty hiện tại?", "ra đi có phải là cách duy nhất và cuối cùng để giải quyết vấn đề hay không?",... Nếu có ngay đáp án và vẫn giữ ý định cương quyết nhảy việc thì cứ nhảy; còn nếu lăn tăn bao ngày, lơ lơ lửng lửng không biết mình muốn gì, cần gì thì khoan vội tung bay, kẻo "hụt chân" thì có mà ân hận không kịp.