Sau 1 tháng vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, hiện tại, bác sĩ Vũ Thị Nhung - một trong những nạn nhân nặng trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội (ngày 12/9) đã bình phục, có thể đi làm trở lại.
Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet, chị Vũ Thị Nhung (bác sĩ công tác tại khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết hiện sức khỏe chị đã bình phục 90%. Hiên tại, chị Nhung đang phục hồi chức năng thanh quản do nói hụt hơi. Hai vợ chồng chị đều không giấu được niềm vui khi gia đình đã bình an vượt qua đám cháy kinh hoàng.
Nhớ lại thời điểm đó, chị Nhung không thể nào quên được vào lúc 23h15 phút ngày 12/9. "Khi hoàn thành mọi việc và chuẩn bị đi ngủ, tôi bỗng thấy tiếng ầm ầm bên dưới, còn nghĩ ai cãi nhau. Cả nhà nhìn qua cửa sổ mới biết rằng có cháy. Lúc cháy, trong nhà ngoài hai vợ chồng còn em gái của tôi. Cả nhà đã bảo nhau lấy khẩu trang, khăn ướt để chạy lên sân thượng", chị Nhung nhớ lại.
Tuy nhiên, khi mở cửa, khói ùa vào. Anh Cao Văn Đoàn, chồng chị Nhung, chạy lên trước còn chị và em gái không thể chạy được do khói đen xộc vào mũi. Hai người quay lại căn hộ, tìm khăn nhúng nước để ngăn khói. Do em gái sức khỏe không tốt, chị dặn cô lấy khăn ướt che mũi, miệng còn bản thân mình chạy đi lấy xô nước, chăn để chặn cửa. Khi đám cháy tắt nhưng khói còn kinh khủng gấp 5, 10 lần lúc cháy. Sau đó, chị Nhung bất tỉnh.
Chị vẫn lơ mơ nhớ cứu hộ nói rằng “ở đây có hai người sống”. Chị được đưa vào cáng chuyển xuống và đưa vào cấp cứu. Lúc tỉnh lại ở bệnh viện và biết cả gia đình đã an toàn, bác sĩ Nhung tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt qua.
“Là bác sĩ, tôi được tập huấn phòng chữa cháy thường xuyên nhưng đám cháy quá kinh khủng. Tôi biết gia đình mình quá may mắn vì mọi người đều không sao nên tôi phải cố gắng vì chồng con. Những ngày đầu rút ống nội khí quản, tôi ho sặc sụa ra máu, mạt đen, đờm đen kịt. Cổ họng, lưỡi loét rát vì ngộ độc CO, uống nước cũng khó”, chị Nhung nhớ lại.
Vì khao khát bình phục và là bác sĩ, chị Nhung tự cố gắng uống từng ngụm sữa nhỏ. Thời gian đầu, chị mất 30-40 để uống một ly sữa. "Có ngày 12h đêm tôi vẫn cố gắng uống từng miếng sữa vì khao khát trở về nhà và được gặp con mình", chị Nhung nói. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ chị đã bình phục và ra viện ngày 4/10 và được gặp lại con trai 25 tháng tuổi của mình.
Chồng chị Nhung may mắn chỉ bị thương nhẹ và được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hai ngày sau đó, anh sang Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc vợ.
"Vợ tôi có thể bình phục như một kỳ tích. Bởi bác sĩ cấp cứu khi đó nói rằng cô ấy vào viện chỉ số sống còn -4, nguy cơ chết não cận kề. Ngay kể cả các bác sĩ cũng e ngại về khả năng cứu chữa", anh nhớ lại. Hiện gia đình anh chị đã thuê nhà tại phố Chùa Bộc để bắt đầu lại cuộc sống mới.
Ngày 13/10, tại cuộc giao ban mở rộng lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã trao cho gia đình chị Nhung gần 1,4 tỷ đồng. Đây là số tiền do hơn 4.000 cán bộ công nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai quyên góp hỗ trợ chị Nhung qua lời kêu gọi của lãnh đạo và công đoàn bệnh viện.
Phó giáo sư Cơ chia sẻ vụ cháy chung cư là thảm họa khi có 31 nạn nhân được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, bác sĩ Nhung và thiếu tá biên phòng N.V.C là những nạn nhân nặng nhất. Đến nay, bệnh viện còn 2 nạn nhân đang điều trị là thiếu tá biên phòng N.V.C (37 tuổi) và nam bệnh nhân B.Q.M (nhảy từ tầng 4 xuống). Hiện, bệnh nhân C. đã giao tiếp được, đang được điều trị oxy cao áp đào thải ngộ độc CO và theo dõi tại Trung tâm Chống độc của bệnh viện.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)