Không có lợi ích nhóm trong xử lý 12 dự án thua lỗ
Đề cập 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Vì sao dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chậm? Có lợi ích nhóm hay không? Xử lý vi phạm có nghiêm minh hay không?
Thừa nhận việc xử dự án này có chậm so với tiến độ đặt ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng, có hai vấn đề lớn đặt ra - các tranh chấp pháp lý và chuyện thoái vốn nhà nước. Theo Bộ trưởng Công Thương, có khả năng phải giải quyết bằng các tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu. Còn việc thoái vốn, phải giải quyết xong khoản cam kết bảo lãnh vay hơn 1.800 tỷ đồng của Tổng Công ty Thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên. “Khoản vay hơn 1.800 tỷ đồng của Ngân hàng Viettinbank nếu chúng ta tiến hành thoái vốn ra khỏi dự án này thì sẽ gây ra sự thiệt hại lớn cho Nhà nước vì Tổng Công ty Thép đã cam kết bảo lãnh 100% khoản vay này đối với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”, Bộ trưởng nói. Ông cho rằng, phải giải quyết cho xong khoản bảo lãnh này mới thoái vốn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc xử lý 12 dự án thua lỗ được thực hiện “đồng bộ, toàn diện”. Trong đó có 4 dự án đã chuyển cho cơ quan điều tra và khởi tố 2 vụ án trong dự án Xơ sợi Đình Vũ và Nhiện liệu sinh học ở Phú Thọ, đồng thời tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc…
“Có nhiều cá nhân đã bị tạm giam để phục vụ cho quá trình điều tra và xem xét theo các quy định của pháp luật. Chắc chắn không có chuyện bao che dưới bất kỳ hình thức nào; cũng không có lợi ích nhóm trong bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc tồn tại các dự án”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cho biết về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và khi nào Chính phủ đánh giá việc thí điểm khai thác bô-xít. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời, việc triển khai dự án đúng tiến độ; một số vấn đề lớn mà xã hội lo ngại như chất lượng công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn của nhà máy cũng như tác động đối với đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương… về cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện các dự án này không dừng lại ở khâu khai thác, chế biến alumin, xuất khẩu mà còn bao gồm điện phân nhôm… Do đó, bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá toàn diện tổng thể hiệu quả dự án để báo Quốc hội cho chủ trương tiếp theo.
Quy định chặt chẽ về thanh toán dự án BT
Về cơ chế thực hiện các dự án BT, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) bày tỏ sự băn khoăn khi kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định, thiếu minh bạch, giảm sự cạnh tranh. Đồng thời, việc sử dụng đất đối ứng để tạo vốn thanh toán không qua đấu giá dẫn đến kẽ hở thất thoát ngân sách nhà nước. Ông Phong đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp khắc phục.
Thừa nhận ý kiến đại biểu nêu là đúng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khi triển khai thực hiện, các địa phương đã thanh toán BT bằng đất đều chỉ định thầu cả hai đầu. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp và Chính phủ cũng đã họp rất nhiều lần. Bộ đã báo cáo và lãnh đạo Chính phủ thông báo cho tạm dừng thanh toán BT bằng đất và giao Bộ Tài chính hướng dẫn. “Vừa qua, chúng tôi trình lại và đưa Chính phủ họp, Chính phủ nhất trí giao Bộ Tài chính thảo nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn dự án chuyển tiếp, đến nay đã xong. Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, lần này sẽ đưa ra giải pháp ngang giá, ngang giá thứ nhất là ngang về giá trị của dự án BT với giá trị đất hoặc tài sản công thanh toán phải ngang nhau về tiền và giá thị trường. Thứ hai là ngang giá nhưng phải đảm bảo ngang về hiện vật vì thực tế có những dự án BT khi triển khai giao chỉ định đất, ví dụ dự án khoảng 400 tỷ đồng nhưng chỉ định miếng đất tại thời điểm đó giá tạm tính tương đương 60 ha. Đến thời điểm thanh toán, khi tính lại giá đất lên đến 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính nhận định, đấu giá hai đầu rất khó khăn. Nếu các địa phương khó khăn thì Thủ tướng đồng ý là có thể cho vay theo quy định đảm bảo quản lý bội chi trong năm để có nguồn lực giải phóng mặt bằng làm đất sạch đấu giá để có tiền trả lại nhà đầu tư BT.
Liên quan cổ phần hóa, theo ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình), việc quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc này dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Mặt khác, những vướng mắc liên quan đất đai ảnh hưởng đến tiến độ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc quản lý đất đai doanh nghiệp ở địa phương thuộc về tỉnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước, không thu hồi, không thực hiện đấu giá theo Luật Đất đai. Việc quản lý chặt chẽ về đất đai trong quá trình cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Liên quan việc một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa lợi dụng việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận vừa qua có một số trường hợp không đấu giá. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126, khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được xem xét trước thời điểm cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa, đất phải được sử dụng đúng theo phương án đã phê duyệt. Nếu doanh nghiệp chuyển đổi, phải thu hồi và đấu giá theo quy định. Việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù là doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá. “Nghị định 126 đã nêu rất rõ địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa phải phê duyệt phương án sử dụng đất. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên còn gây ra những khó khăn. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành”, ông Dũng nói.
BOT là vấn đề hết sức nhạy cảm
Liên quan thu hút vốn đầu tư, thực hiện một số dự án BOT, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) phản ánh, nhiều dự án thực hiện trước khi có Nghị quyết 437 của Thường vụ Quốc hội; các nhà đầu tư đã thực hiện hợp đồng ký với Bộ GTVT, hoàn thành và tất cả đưa vào nghiệm thu để hoạt động. Nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu một phần là không đúng cam kết ở hợp đồng đã ký. “Doanh nghiệp đầu tư đã kêu Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT cùng UBND tỉnh, một số đơn vị hữu quan để thỏa thuận về giải pháp. Nhưng Bộ vẫn chưa cho phép thu phí để hoàn vốn dự án này, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ gốc, lãi, người lao động không công ăn việc làm, rất khó khăn. Vậy Bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết?”, ông Chiến hỏi.
Cho rằng, các dự án BOT là những dự án hết sức nhạy cảm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua, một số dự án đã hoàn thành nhưng chưa đầy đủ thủ tục để thu phí và một số dự án cho thu phí một phần, ví dụ, BOT Chợ Mới - Thái Nguyên. “Chúng tôi có trách nhiệm lớn với nhà đầu tư cũng như với xã hội. Việc này thì Bộ sẽ báo cáo từng trường hợp cụ thể”, ông Thể nói. Bộ GTVT đang xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó có cả BOT Đèo Cả, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và một số dự án khác.
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan việc quản lý hóa đơn, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, bộ đã cùng cơ quan công an phát hiện không ít vụ việc cá nhân lập doanh nghiệp ma, lợi dụng buôn bán hoá đơn; ngoài ra còn tình trạng bán hàng không xuất hoá đơn, kê khai, nộp thuế. Theo ông Dũng, lý do là nền kinh tế hiện sử dụng quá nhiều tiền mặt. Vì thế, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh giải pháp đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Luân Dũng- Văn Kiên (Tiền Phong)