Nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn: Dễ như mua súng trên mạng

31/05/2023 17:15:00

Thời gian qua, việc mua bán súng săn, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai và khá rầm rộ trên các mạng xã hội như facebook, youtube... tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm.

Gần đây, một số tỉnh thành xảy ra các vụ nổ súng gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đơn cử như vụ nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn.

Việc mua bán súng đạn trên mạng rất dễ dàng

Ngày 30/5, Công an huyện Bình Chánh, TP HCM tạm giữ một số nghi can và triệu tập nhiều người để làm rõ vụ nổ súng vào khu dân cư.

Đêm 19/4, nhóm thanh niên đi nhiều xe máy trên đường Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai. Sau đó, hai người xuống xe, cầm súng (chưa xác định loại) bắn nhiều phát vào hàng rào tôn của một căn nhà rồi rời đi. Tại hiện trường, Cảnh sát thu giữ hơn 10 vỏ đạn và nhận định nguyên nhân do mâu thuẫn đất đai.

Nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn: Dễ như mua súng trên mạng
Hai người nghi nổ súng vào khu dân cư. Ảnh cắt từ clip

Mới đây, vụ người đàn ông mang súng vào nhà chủ nợ bắn loạn xạ ở Quảng Bình cũng gây xôn xao. Cụ thể, chiều 12/5, ông Phan Cô Vích (40 tuổi, trú tổ dân phố Minh Lợi, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) đang ở nhà thì bất ngờ Nguyễn Đức Quý (40 tuổi, trú tổ dân phố Thọ Đơn, thị xã Ba Đồn) xông vào nhà dùng súng bắn liên tiếp 6 phát đạn. Rất may vụ việc không gây thương vong.

Hiện nay, tình trạng nhiều người mua bán súng đạn tràn lan trên mạng vẫn diễn ra, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn trật tự xã hội, đe dọa trực tiếp tính mạng của người dân.

Nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn: Dễ như mua súng trên mạng - 1
Quý cầm súng gí vào đầu bà Lý, mẹ ông Vích - Ảnh cắt từ camera an ninh

Việc dễ dàng có thể mua, bán trao đổi vũ khí, các công cụ hỗ trợ... đã làm gia tăng tình hình tội phạm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ án nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của PV, hàng loạt trang web, fanpage… đang rao bán súng với việc mua bán rất dễ dàng, người mua sẽ nhận súng theo dạng bưu phẩm qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Trên các trang mạng xã hội, nhan nhản các hội nhóm công khai rao bán, hỏi mua súng đạn. Trang “Shop súng kiếm 18+ chuyên cung cấp hàng tự vệ” có hàng nghìn lượt theo dõi trên Facebook thường xuyên đăng tải hình ảnh hàng chục loại súng với đủ giá cả khác nhau. Trang "Mua bán súng đạn thật uy tín chất lượng" thường đăng hình ảnh nhiều khẩu súng dùng đạn thật, cam kết nhận hàng kiểm hàng mới thanh toán.

Nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn: Dễ như mua súng trên mạng - 2
Trang này đăng hình ảnh nhiều khẩu súng dùng đạn thật, cam kết nhận hàng kiểm hàng mới thanh toán. (Ảnh chụp màn hình) 

Trên kênh YouTube với tài khoản có tên "Nam Anh Shop Phụ Kiện…" thường xuyên quay các clip giới thiệu súng và quảng cáo nhận ship COD (nhận hàng xong mới trả tiền) trên toàn quốc, người bán công khai 3 số điện thoại. Khi chúng tôi nói muốn xem hàng trực tiếp thì người bán trả lời: "Mấy hàng này cấm bán nên không xem trực tiếp được, chỉ giao hàng qua ship COD, người mua chỉ cần cọc trước vài trăm ngàn đồng để làm tin sẽ gửi súng đi. Khi đến nơi, khách kiểm tra đúng hàng thì đưa nốt số tiền còn lại cho nhân viên giao hàng là được".

Nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn: Dễ như mua súng trên mạng - 3
Kênh YouTube này bày bán một cách công khai. Ảnh chụp màn hình.

Ở tài khoản YouTube khác có tên "PCP ĐỨC…", người quản lý tên Đức Duy nổi lên với các video giới thiệu bán súng hơi bắn đạn chì. Khi báo giá một cây súng hơi 8 triệu đồng bao gồm phí gửi hàng, Duy giới thiệu cây súng này sát thương trong tầm 90m, nguồn gốc Trung Quốc, lực hơi rất mạnh, chuyên dùng để săn chim, thú. Duy còn cho biết, tùy theo loại súng hơi mà có giá khác nhau, từ 4 triệu đến 20 triệu đồng/cây. Để qua mặt cơ quan chức năng, Duy ghi bên ngoài gói hàng là đồ gia dụng.

Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, mua bán, tàng trữ... vũ khí

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, ngoài lực lượng quân đội, công an sẵn sàng chiến đấu với các tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh xã hội hay hoạt động trong đơn vị mang tính chất đặc thù cần sử dụng súng thì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định cụ thể nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Nổ súng vào nhà dân ở Sài Gòn: Dễ như mua súng trên mạng - 4
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 

"Đối với những cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

Ngoài ra, người nào có hành vi mua bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc tàng trữ những sản phẩm trên còn bị xử lý hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ với mức phạt cao nhất lên đến 05 năm hoặc Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân quy định tại Điều 304", luật sư Hùng phân tích.

Luật sư Hùng cho biết thêm, bên cạnh đó, người nào có hành vi lợi dụng mạng xã hội rao bán tràn lan vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ còn bị xử lý về Tội xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội được quy định tại điểm d, e, Khoản 1, Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, tuyên truyền, chia sẽ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm căn cứ theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

"Trước tình trạng mua bán súng đạn tràn lan trên mạng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý an ninh mạng và lực lượng công an để có thể triệt phá tận gốc những người đang rao bán, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Tránh việc khi xảy ra sự việc rồi, mới truy tìm để giải quyết. Ngoài ra, người sử dụng mạng xã hội cũng cần nâng cao ý thức để kiểm tra, phát hiện, yêu cầu các trang mạng xã hội gỡ bỏ các tài khoản quảng cáo, rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý", luật sư Hùng nói.

Theo Gia Đạt (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật