Giấy phép lái xe còn được gọi là bằng lái xe, là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người dân sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch. Giấy phép lái xe chứng nhận người dân đủ điều kiện vận hành loại phương tiện giao thông tương ứng mà họ đã học và thi (xe máy, xe ô tô, mô tô, xe tải, xe trọng tải nặng…).
Thời hạn giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe. Căn cứ quy định kể trên thì giấy phép lái xe hết hạn một ngày thì cũng bị coi là vi phạm. Do đó, người tham gia giao thông cần lưu ý thời hạn giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép, khi gần hết hạn thì cần làm thủ tục để đổi.
Sau khi có thông tin về Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an về việc đề xuất giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang Giấy phép lái xe mới theo lộ trình của Chính phủ, có tình trạng người dân đi đổi hàng loạt.
Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT và Thông tư 01/2021/TT-BGTVT thì các trường hợp không được đổi GPLX gồm:
Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; giấy phép lái xe quốc tế; giấy phép lái xe của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe nước ngoài không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
Giấy phép lái xe của ngành Giao thông vận tải nhưng không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe, bảng kê danh sách cấp giấy phép lái xe (sổ quản lý);
Quyết định ra quân tính đến ngày làm thủ tục đổi quá thời hạn 06 tháng đối với giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp;
Người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định;
Người Việt Nam có giấy phép lái xe nước ngoài có thời gian lưu trú tại nước ngoài dưới 03 tháng và thời hạn lưu trú không phù hợp với thời gian đào tạo lái xe của nước cấp giấy phép lái xe.
Hiền Lê (SHTT)