Theo Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục từ đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Tuy nhiên, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên. Theo đó, từ ngày 01/7, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghề nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Như vậy, những giáo viên hiện nay đang được hưởng phụ cấp thâm niên, kể từ 1/7 sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp này nữa.
Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018 về việc cải cách tiền lương, trong đó quy định:
Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề; Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; Có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước dành cho ngành giáo dục và đào tạo, y tế, Tòa án, kiểm sát…
Đặc biệt, theo Nghị quyết 86 năm 2019 của Quốc hội, cũng từ 1/7/2020, lương cơ sở sẽ được tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng theo công thức: Lương = hệ số x mức lương cơ sở, vì vậy nhiều giáo viên kỳ vọng khi lương cơ sở tăng kéo theo lương của giáo viên cũng tăng và vẫn được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề.
Tuy nhiên, ngày 19/6 vừa qua, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.
Như vậy có nghĩa là, lương cơ sở chưa tăng kéo theo lương của giáo viên cũng chưa tăng.
Ngoài ra, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 cũng có quy định rõ tất cả viên chức, trong đó bao gồm cả giáo viên được tuyển dụng từ ngày 1/7 sẽ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Chỉ có 3 trường hợp viên chức vẫn được ký kết hợp đồng làm việc vô thời hạn, bao gồm: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định; viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thùy Linh (Nguoiduatin.vn)