Mức thu phí đường bộ mới
Nghị định số 90/2023 của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/2.
Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (ô tô).
Theo đó, mức thu phí sử dụng đường của xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh có mức phí 130.000 đồng/tháng.
Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1 của nghị định); xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ có mức phí 180.000 đồng/tháng.
Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg có mức phí 720.000 đồng/tháng…
Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg có mức phí 1.040.000 đồng/tháng. Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên có mức phí 1.430.000 đồng/tháng…
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS
Thông tư số 31/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2.
Theo đó, học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng bằng tốt nghiệp không ghi loại giỏi, khá hay trung bình. Việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ được căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh.
Điều kiện xét tốt nghiệp THCS đã có nhiều điểm mới: Học sinh THCS nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp; trước đây, học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).
Điểm mới khác của thông tư này là cho phép xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong một năm học. Trong đó, lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học; lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới. Trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS chỉ được xét tốt nghiệp một lần trong năm.
Ngoài ra, học sinh được công nhận tốt nghiệp phải không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra cần có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp (học bạ…); đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.
Nhiều trường hợp 'độ xe' vẫn được đăng kiểm
Thông tư 43/2023 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 15/2, quy định số trường hợp xe có thay đổi nhưng không được coi là cải tạo nên đương nhiên được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Theo đó, có 9 trường hợp ô tô thay đổi, cải tạo vẫn được kiểm định để cấp giấy chứng nhận tương tự các xe thông thường mà không phải nghiệm thu.
Các trường hợp này bao gồm: xe thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách; thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng mà không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng; lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe bán tải; lắp thêm đèn sương mù dạng rời.
Các trường hợp ô tô thay cụm đèn chiếu sáng phía trước, thay thế bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương, thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ, thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió, lắp thêm mui gió trên nóc cabin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng cũng được đăng kiểm.
Ngoài ra, xe tải lắp thêm hoặc thay thế thiết bị nâng hạ hàng hóa của thùng hàng đã có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan có thẩm quyền hoặc tháo bỏ thiết bị này cũng không cần lập hồ sơ thiết kế xe cải tạo.
Thông tư 43/2023 cũng bổ sung 10 trường hợp được phép đăng kiểm mà không phải lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo như trước đây.
Cụ thể: xe tập lái, sát hạch lắp đặt thiết bị liên kết bàn đạp phanh; thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý với xe bán tải; xe tải tự đổ và ô tô xi téc nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, cải tạo trước tháng 11/2014 có nhu cầu tự nguyện cắt giảm thể tích thùng hàng.
Xe đã cải tạo lắp đặt thêm hệ thống cung cấp nhiên liệu mới; thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con; thay thế hoặc tháo bỏ mui gió trên nóc cabin ôtô đầu kéo; cải tạo bơm, thùng dầu và hệ thống đường ống thủy lực của xe đầu kéo; thay đổi chỗ ngồi hành khách cũng nằm trong danh sách này.
Những loại giấy tờ nhân thân cần mang theo khi đi máy bay
Thông tư số 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ ngày 15/2/2024.
Hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ CCCD (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau), giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định.
Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng, họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi, dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật.
Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:
Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của Sở Ngoại vụ (có xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, CMND, thẻ CCCD; giấy chứng minh, chứng nhận của Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; tài khoản định danh điện tử mức độ 2; giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.
Hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày, có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi.
Hiền Lê (SHTT)