Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0

31/12/2023 20:56:54

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết.

Chiều 27/12/2023 tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2023.

Buổi họp dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại buổi họp phóng viên đã đặt câu hỏi về quy định liên quan đến vấn đề nồng độ cồn bằng 0 trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã trả lời về vấn đề này tại buổi họp.

Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trả lời tại họp báo - Ảnh: Bộ Công an

Cụ thể, Thiếu tướng Nguyên thông tin, theo thống kê, phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia. Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Thiếu tướng Nguyên dẫn theo số liệu thống kê trong năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là số liệu làm cơ sở để Ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đó là quy định “nồng độ cồn” bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Vì vậy, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo luật lần này dựa trên quan điểm tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết. Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.

Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0 - 1
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh: VOV

Cũng theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Do đó, với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Quy định nồng độ cồn bằng 0 từng làm nóng nghị trường

Trước đó, hồi tháng 11, Bộ Công an trình Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong đó có một nội dung quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Nội dung này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội và gây nhiều vấn đề tranh luận trong xã hội.

Tại buổi thảo luận về dự thảo, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận "nên duy trì quy định cấm tuyệt đối người tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn".

Quy định cấm Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từ giữa năm 2019. Điều 8 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục kế thừa quy định này.

Một số đại biểu cho rằng không nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn mà nên quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tức cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định, nếu vượt ngưỡng cho phép mới bị xử phạt.

Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0 - 2
Đại biểu Trịnh Minh Bình phát biểu tại Quốc hội chiều 24/11. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu quan điểm: "Một người uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa nhưng khi lái xe, nếu đo nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt. Điều này chưa hợp lý, chưa thuyết phục, dễ gây tranh cãi khi người dân bị thổi nồng độ cồn".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bế Trung Anh (Thường trực Hội đồng Dân tộc) rượu bia chỉ là một trong số những tác nhân gây mất kiểm soát hành vi.

Ông Anh lập luận rằng "uống rượu bia quá nhiều mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, chứ uống ít hay nếm chút thì vẫn ổn và có lẽ chưa ảnh hưởng".

Bên cạnh đó, một nhóm các đại biểu hoàn toàn ủng hộ với quy định này.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách) cho rằng Quốc hội quyết định các vấn đề phải dựa trên bằng chứng và kết luận khoa học, "không thể dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận".

Sáng 29/11, tại họp báo sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, chia sẻ trên VnExpress, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết quá trình thảo luận dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Theo ông Đức, từ thực tế giám sát về tình hình an toàn giao thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhận thấy các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng có 43% xuất phát từ rượu bia. Vì vậy ông tin rằng Quốc hội cơ bản đồng ý với cơ quan soạn thảo và đề nghị báo chí tuyên truyền để người dân ủng hộ.

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông dự kiến dự luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Chi tiết mức xử phạt nồng độ cồn với các loại phương tiện

Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0 - 3
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn xe ô tô mới nhất năm 2023
Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0 - 4
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn xe máy mới nhất năm 2023
Đại diện Bộ Công an nói về quy định 'nồng độ cồn' bằng 0 - 5
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn xe đạp mới nhất năm 2023

Theo Trang Anh (Đời Sống & Pháp Luật)