Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao, thông qua "nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội" đối với ông Đinh La Thăng (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban kinh tế Trung ương) và ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam).
Trước đó, ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam) cũng bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và hai người khác không được công nhận tư cách đại biểu.
Như vậy, từ tổng số người trúng cử là 496, hiện Quốc hội khóa 14 có 491 đại biểu.
Hủy tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh
Sáng 15/72016, Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên thứ 7 để xem xét, biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong kỳ bầu cử.
Tất cả thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).
Chiều 11/7/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kỳ họp thứ 4 và 5. Thông báo nêu, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, ông Trịnh Xuân Thanh được 198.392 phiếu, đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ và trở thành người trúng cử với số phiếu được bầu chọn cao nhất tại Hậu Giang.
Trong diễn biến mới nhất, ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND Hà Nội, cho biết trong quý I năm 2018, cơ quan này sẽ xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC); vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu
Hai ngày sau khi không công nhận tư cách đại biểu của ông Trịnh Xuân Thanh, ngày 17/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp phiên đột xuất.
Tại đây, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa 14 và cá nhân có đơn xin rút.
Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bà Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo ông Phúc, Hiến pháp quy định “Công dân nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Và tại điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Như vậy, đạo luật nêu trên đề ra nguyên tắc một quốc tịch, việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ, trong đó chủ yếu là áp dụng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
“Căn cứ vào Luật Quốc tịch thì Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là công dân Việt Nam, lại đăng ký thêm một quốc tịch nước ngoài nữa. Có hai quốc tịch là vi phạm quy định nêu trên”, ông Phúc nói và xác nhận bà Nguyệt Hường có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.
Ngoài lý do dẫn đến việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 nêu trên, đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia không cung cấp thêm nội dung nào khác.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970, quê xã Thành Lợi (Vụ Bản, Nam Định), là cử nhân Ngôn ngữ, cử nhân Anh văn, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Bà từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13. Thời điểm không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội nêu trên, bà Nguyệt Hường là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam.
Ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội
Ngày 15/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam). kể từ ngày 15/5, vì ông này đã bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu với lý do sức khỏe.
Trước đó ngày 21/4, Ban bí thư đã công bố kết luận kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên Môi trường và một số cán bộ có vi phạm nghiêm trọng trong vụ Formosa xả thải hủy diệt môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Căn cứ mức độ vi phạm, Ban bí thư quyết định cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, gồm cả các chức vụ Bí thư ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh của ông Võ Kim Cự.
Kết luận của Ban bí thư nêu, ông Võ Kim Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án.
Thời điểm xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, tháng 4/2016, ông Võ Kim Cự được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử với tư cách là đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Trong cuộc bầu cử ngày 22/5/2016, ông Cự được cử tri thị xã Hồng Lĩnh, huyện Vũ Quang, huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bầu làm đại biểu Quốc hội khoá 14 với 75% số phiếu hợp lệ.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ sẽ do Quốc hội quyết định. Nếu trong thời gian Quốc hội không họp thì sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, sau đó báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ông Võ Kim Cự nghỉ hưu, thôi chức Chủ tịch liên minh hợp tác xã Việt Nam từ ngày 29/9.
Đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng
Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao, thông qua "nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội" đối với ông Đinh La Thăng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban kinh tế Trung ương.
Luật tổ chức Quốc hội quy định về quyền miễn trừ (không được bắt, giam, giữ, khởi tố...) của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu sẽ không còn quyền miễn trừ nếu cơ quan điều tra được sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trước đó Hội nghị Trung ương lần thứ năm ngày 7/5 thông báo quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La Thăng (Bí thư Thành ủy TP HCM). Điều này đồng thời khiến ông phải rời ghế Bí thư Thành ủy TP HCM, nhận quyết định điều chuyển làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Cùng thừi gian này, ông Thăng chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đến Thanh Hoá.
Ông Đinh La Thăng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Đình chỉ tư cách đại biểu của ông Nguyễn Quốc Khánh
Cũng trong ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết "về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội" đối với ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia).
Ông này bị khởi tối về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
heo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, là người đứng đầu PVN giai đoạn 2011-2015, ông Khánh phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu sai luật khi chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây hậu quả nghiêm trọng. Ông cũng bị liên đới trước những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học...
Ông Khánh 57 tuổi, là đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)