Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng

08/12/2017 22:15:11

Cũng giống như ông Đinh La Thăng, trong quá khứ, từng có một số vị Đại biểu Quốc hội vì những sai phạm khác nhau đã bị đình chỉ, sau đó là bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Đầu tiên là trường hợp của ĐBQH Lê Minh Hoàng - nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM.

Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng
Ông Lê Minh Hoàng - nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM. (Ảnh: I.T)

Tháng 11.2005, ĐBQH Lê Minh Hoàng bị Quốc hội khóa XI bãi nhiệm tư cách ĐBQH do có sai phạm trong vụ điện kế điện tử. 

Trong quá trình tổ chức đấu thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng mua 312.000 công tơ điện tử của Công ty Linkton Singapore, Công ty Điện lực TP HCM do ông Hoàng làm đại diện đã vi phạm nghiêm trọng các quy chế đấu thầu do Chính phủ ban hành.

Sai phạm của ông Lê Minh Hoàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.

Một ĐBQH khách bị miễn nhiệm vì lợi dụng chức vụ quyền hạn, đó là trường hợp của nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, ông Mạc Kim Tôn.

Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng - 1
Ông Mạc Kim Tôn - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Bình. (Ảnh: I.T)

Tháng 11.2006, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, 100% số ĐBQH đồng ý bãi nhiệm tư cách ĐBQH khóa XI với ông Mạc Kim Tôn.

Lý do được đưa ra là do ông này lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bất bình trong dư luận, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Tài liệu của cơ quan điều tra công an tỉnh Thái Bình xác định, dưới sự "bảo hộ" của ông Mạc Kim Tôn, Trần Thị Ánh (tức Hà) đã lừa mua của 3 công ty gần 390 máy tính để bàn, hơn 30 máy tính xách tay, 25 máy chiếu đa năng và 7 thiết bị khác, với tổng số tiền phải thanh toán hơn 4,2 tỷ đồng. 

Ông Tôn đã trực tiếp nhận gần 100 triệu đồng "tiền biếu" của 11 trường được lắp máy tính, 10 món quà biếu của Ánh trị giá hơn 60 triệu đồng.

Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng - 2
Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng từng bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH khóa XIII. (Ảnh: I.T)

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một ĐBQH khác cũng bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH là bà Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, tháng 5.2012, với hơn 90% số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã ra Nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Bà Yến là người sáng lập Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Tân Tạo (ITA) và giữ chức Chủ tịch HĐQT ITA. Bà Yến từng 3 năm liên tiếp nằm trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam (2008, 2009, 2010).

Bà Yến được xác định đã khai không trung thực trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIII làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử và quá trình hoạt động của bản thân, vi phạm điều 3 Luật Bầu cử ĐBQH.

Trước khi Quốc hội ra Nghị quyết bãi nhiệm, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, MTTQ Việt Nam đã đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH với bà Đặng Thị Hoàng Yến do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử.

Cụ thể, bà Yến không kê khai ngày vào Đảng, không khai trong hồ sơ chồng bà là Jimmy Trần (đang có lệnh truy nã).

Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng - 3
Bà Châu Thị Thu Nga - nguyên ĐBQH khóa XIII. (Ảnh: I.T)

Năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH với bà Châu Thị Thu Nga.

Bà Nga bị đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh, xâm hại lợi ích hợp pháp của khách hàng, gây bức xúc, bất bình đối với những người bị thiệt hại, gây ảnh hưởng xấu trong công luận, trong nhân dân và vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH.

Với tư cách là ĐBQH, bà Châu Thị Thu Nga còn được biết đến là một doanh nhân thành đạt ở vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng nhà đất (Housing Group). Doanh nghiệp do bà Nga đứng đầu là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội, như dự án khu nhà ở kinh doanh ở phố Thượng Thụy (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), dự án B5 Cầu Diễn…

Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng - 4
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử ĐBQH khóa XIV, nhưng sau đó đã bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH do có những sai phạm liên quan tới sử dụng xe tư biển số xanh. (Ảnh: I.T)

Tháng 7 vừa qua, trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, tất cả thành viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).

Theo Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI.

Nhưng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Năm 2013, rời ngành dầu khí, ông Thanh được bổ nhiệm nhiều chức vụ ở Bộ Công Thương trước khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vào năm 2015.

Ông Thanh phải chịu trách nhiệm về tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC - nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Những Đại biểu Quốc hội từng bị đình chỉ như ông Đinh La Thăng - 5
Ông Đinh La Thăng cũng bị tạm dừng ĐBQH và đình chỉ sinh hoạt Đảng để điều tra các sai phạm liên quan. (Ảnh: VNE)

Đáng chú ý, vào chiều nay (8.12), tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, bị bắt vì liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra.

Đó là 2 vụ án: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Theo Hòa Nguyễn (Dân Việt)