1. Vào 3 giờ sáng mùng 1 Tết, người vá xe đạp ngồi bên vệ đường 3 tháng 2 (Quận 10, TP.HCM). Bên cạnh anh, chiếc bơm to và thùng dụng cụ vá xe nằm gọn trong chiếc xe đẩy. Gương mặt anh đượm buồn. Chúng tôi ghé vào, anh nở nụ cười thật tươi lấy gói thuốc mời tôi một điếu. "Ế khách quá anh ơi. Từ chiều hôm qua đến giờ, đường vắng, ít xe tôi chưa làm được một mối nào hết", anh nói.
Cuộc sống vất vả, làm cả năm không đủ ăn nên anh không còn khả năng ăn Tết. Anh ra đây ngồi với ước mong sẽ gặp được vài người khách kiếm ít tiền. Những đứa con anh, Tết cũng không về. Chúng còn phải mưu sinh nơi đất khách.
Anh dự định cố gắng làm việc hết ngày mùng 1 Tết. Nếu như ít khách, qua mùng 2 Tết, anh sẽ ở nhà. Dù có thoáng buồn nhưng cũng còn hơn việc phải phơi mặt ngoài đường với nắng gió và sương lạnh. Tôi chúc anh có được những ngày Tết ấm áp.
2. Anh ngồi trên xe lăn. Anh mặc chiếc áo màu lam, quần trắng. Tóc anh đã bạc nhiều. Gương mặt hiền lành phúc hậu. Anh là Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi, ở Hóc Môn, TP.HCM).
Anh Hùng trước đây chạy xe ôm. 9 năm trước, trong một lần chở khách, huyết áp lên cao, anh té ngã, dẫn đến bị liệt nửa người. Từ đó, anh ngồi trên xe lăn. Nhận thấy một tay còn hoạt động được, anh quyết định đến với nghề tìm phế liệu để mưu sinh.
Đêm nay, anh nhờ một cô cháu gái đẩy xe đi. Gặp anh trong lúc nghỉ mệt ở góc đường Hai Bà Trưng - Lý Chính Thắng, anh nói: "Cả đêm tôi không ngủ, chỉ lúc nào mệt lắm thì chợp mắt một chút".
Đâu dễ để có dịp anh lượm được nhiều như thế. 9 năm nay, Tết nào anh cũng thức trắng. Không vợ con, anh chỉ làm nuôi bản thân mình thôi nên cũng nhẹ gánh. Phía sau anh, một phụ nữ đứng tuổi dựng chiếc xe đạp đầy những bao phế liệu. Bà cũng như anh, cũng xuyên đêm tìm sự sống.
3. 4 giờ sáng. Người đàn ông nằm trên chiếc xích lô dừng ở vỉa hè đường Hai Bà Trưng (gần nhà thờ Tân Định) tỉnh giấc. Anh ngồi thẳng người cầm chai nước để uống. Anh tên Bình (60 tuổi, quê ở Quảng Ngãi). Anh kể, cuộc sống của anh rất bấp bênh vì hiện nay xích lô không được phép hoạt động. Tuy nhiên khách của anh cũng còn được vài người nên anh còn có thể sống qua ngày.
Anh không đủ tiền để thuê nhà trọ nên đêm nào cũng ngủ ven đường. Anh nói: "Buồn lắm. Ngày Tết mà còn đầu đường xó chợ, không nhà cửa vợ con". Ngoài quê, vợ con anh vẫn ngóng trông nhưng anh chỉ đủ tiền mua vé xe khứ hồi về quê. Anh bấm bụng không về, lấy số tiền đó gửi về cho vợ con ăn Tết.
4. Trên lề đường 3/2 gần rạp Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Xuyến (64 tuổi) ngồi trên một tấm bạt, mắt nhìn ra ngoài đường. Đôi mắt ông đượm buồn. Ông kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của ông.
Nhà ở Mỹ Tho, ông cũng có vợ con như bao người khác. Sau nhiều năm chung sống vợ con đều đã lánh xa ông khiến ông phải bỏ quê lên Sài Gòn tìm đất sống. Không nhà cửa không tài sản, ông lang thang đây đó. Ông thường tìm một chỗ kín đáo ngả lưng qua đêm. Ban ngày ông lay lắt đây đó làm đủ thứ nghề để có được miếng ăn. Nhìn ông, chúng tôi vô cùng ái ngại. Đã lớn tuổi, ngày đầu năm không có mái nhà để cùng con cháu sum vầy quả là điều bất hạnh.
5. Trời đang se lạnh. Cơn mưa xuân chợp ập đến cũng đã làm bao người thức giấc. Những chiếc xích lô, những người phụ nữ nằm giữa đống phế liệu, biết đến bao giờ những mảnh đời khốn khó này mới có nơi trú chân ấm áp?
Trên đường về, khi chuông giáo đường vang lên, chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho họ có được một cái Tết no đủ bởi cả năm trời đã vất vả mưu sinh...
Theo Trần Chánh Nghĩa (VietNamNet)