Giảm tầng nấc quản lý bên trong các bộ ngành, quy định rõ số lượng cấp phó, biên chế... là các đề xuất nhằm tinh gọn bộ máy.
Hai trong số các đề án được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Trung ương đang diễn ra là về sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó trưởng Ban tổ chức trung ương, cho rằng để có một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả thì điều cần làm đầu tiên là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như của từng đơn vị.
"Tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng dứt khoát một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Không thể chấp nhận tình trạng như lâu nay, hàng chục dự án thua lỗ nghìn tỷ nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm", ông Hương nói.
|
Hội nghị Trung ương sáu, khoá XII, họp từ ngày 4 đến 11/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo ông Hương, hiện vẫn còn 18 vấn đề có sự giao thoa giữa các bộ, ngành; một lĩnh vực giao cho từ hai đến ba bộ phụ trách như: an toàn thực phẩm, phát triển du lịch, quản lý ngoại thương, nợ công... Ngoài ra, ở trung ương có tới 144 tổ chức phối hợp liên ngành đã được thành lập, dẫn đến sự chồng chéo, không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.
Một báo cáo lên bộ trưởng phải qua 6 quy trình
Dẫn một nghiên cứu mới đây của cơ quan chức năng, ông Hương nói cơ cấu tổ chức của các bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống, gồm tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập; trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban...
Cơ cấu tổ chức trên tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong bộ, cơ quan ngang bộ. Một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để được báo cáo lên bộ trưởng thường phải qua 5-6 quy trình, gồm: chuyên viên soạn thảo; phó trưởng phòng cho ý kiến; phó vụ trưởng cho ý kiến; vụ trưởng cho ý kiến; thứ trưởng duyệt văn bản; bộ trưởng xử lý, ký văn bản. Tương tự như vậy, một chỉ đạo của bộ trưởng để xuống đến người trực tiếp thực hiện có khi cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian.
"Đó là những điều cần khắc phục ngay", ông Hương nói.
Tình trạng "bộ trong bộ"
Tham gia đoàn giám sát của Quốc hội về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (giai đoạn 2011-2016), TS Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho hay số đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong các bộ hiện rất lớn, gồm 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ; việc này có thể dẫn đến tình trạng "bộ trong bộ", các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc...
Từ năm 2011 đến nay, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ với 29 cục đã được thành lập. Việc tăng số lượng cục trong bộ đã dẫn đến tổ chức thêm nhiều đơn vị cấp phòng trong cục, trong 5 năm tăng 180 đơn vị.
Do cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ quá nhiều đầu mối, đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người được giữ chức danh lãnh đạo với số lượng công chức tham mưu. Tỷ lệ trung bình lãnh đạo trên công chức ở nhiều tổng cục là 1/5; các cục, vụ là 4/7.
"Ở không ít nơi còn xảy ra tình trạng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên mà báo chí đã nêu địa chỉ", ông Vân nói.
Qua giám sát, nhiều ý kiến đề nghị trên cơ sở số biên chế hiện có, các đơn vị phải sắp xếp lại theo tiêu chí cụ thể: Phòng tối thiểu 7 biên chế, một lãnh đạo là trưởng phòng, từ 8 biên chế trở lên mới được thêm phó phòng; vụ phải có tối thiểu 15 biên chế, lãnh đạo là vụ trưởng và không quá 3 vụ phó; cục tối thiểu 50 biên chế; tổng cục phải có ít nhất 5 cục, vụ trực thuộc...
"Quy định khung số lượng đầu mối, số lượng cấp phó, biên chế sẽ giúp chống lạm phát tổ chức và lãnh đạo", ông Vân nhận xét.
Sở "cứng", sở "mềm"
Về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã đề xuất tổ chức hai nhóm gồm những sở ngành được tổ chức thống nhất ở các địa phương, nghĩa là tỉnh, thành nào cũng có các cơ quan tham mưu này (gọi tắt là sở "cứng"). Nhóm còn lại các sở ngành được tổ chức sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (gọi tắt là sở "mềm").
6 sở "mềm", gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị.
|
Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức. Ảnh minh hoạ: Bá Đô |
Thí điểm chuyển biên chế sang hợp đồng lao động
Liên quan đến 2,5 triệu biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban soạn thảo đề án đã đề xuất nghiên cứu thí điểm việc chuyển cơ chế quản lý viên chức sang chế độ hợp đồng lao động gắn với đổi mới về đánh giá, đãi ngộ.
Cùng với đó, số lao động đơn giản sẽ được xem xét cắt giảm mạnh nhằm tăng tỉ lệ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ; các chức danh kế toán, y tế học đường, tài xế, bảo vệ, nhân viên phục vụ..., sẽ được tinh giản để đơn vị tự cân đối kinh phí hoặc thuê ngoài.
Ban soạn thảo cũng nêu rõ sự cần thiết chấm dứt tình trạng chính quyền địa phương, sở, ngành tự phê duyệt, giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng đã được giao hoặc thẩm định.
Hiện tổng số biên chế công chức trong bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) là gần 270 nghìn người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã hơn 234 nghìn người. Ngoài ra còn có gần một triệu người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, cả nước có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Như vậy, những đề xuất cải cách xung quanh hai đề án nêu trên sẽ tác động liên quan đến 3 triệu người trong bộ máy hành chính nhà nước, chưa kể số cán bộ, công chức công tác ở tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và người hoạt động không chuyên trách từ cấp xã trở xuống... |
Theo Võ Văn Thành - Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)