"Phải ứng dụng khoa học công nghệ để lo cho mình chứ không nên tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tại sao Hiệp hội taxi Hà Nội lại đi lo công việc quản lý Nhà nước khi chính họ trước đó đã không đáp ứng được những đòi hỏi đổi mới của người tiêu dùng về giá, về chất lượng và cũng gây ùn tắc giao thông, cãi vã trong dư luận”.
Uber và Grab bị đề xuất dừng hoạt động vì taxi truyền thống "tố" họ vi phạm các quy định và cạnh tranh không lành mạnh. |
Thưa ông, đứng ở góc độ tự do kinh doanh, ông đánh giá như thế nào về đề xuất dừng khẩn cấp Uber và Grab mà Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra mới đây?
- Tôi biết, khi Uber và Grab vào Việt Nam, họ đã có quá trình khá khó khăn để được thừa nhận, hợp pháp hoá. Tuy nhiên, thực tế hiện người dùng đã đón nhận và nó hoạt động ngày càng hiệu quả.
Uber và Grab đã nâng cao lợi ích cho người tiêu dùng, đem lại cho họ sự tin tưởng và lựa chọn mới và ở nhiều nước họ đã hoan nghênh. Nếu đề xuất dừng Uber và Grab chỉ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, độc quyền thị trường thì không phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.
Uber và Grab đang là loại hình kinh tế sẻ chia, là xu hướng của thế giới công nghệ, xã hội số hóa mà Việt Nam đang theo đuổi. Nói tóm lại nó là cái mới mà Việt Nam và các nước cần thừa nhận.
Trong kiến nghị dừng khẩn cấp Uber, Grab, Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết số lượng xe của các loại hình trên hiện là khoảng trên 50.000 xe điều này phá vỡ quy hoạch, nguyên nhân gây ùn tắc giao thông? Ông có bình luận gì về cáo buộc này?
- Tôi chưa biết họ đánh giá số lượng xe Uber và Grab hiện nay thế nào là quá nhiều gây ùn tắc giao thông. Như số lượng taxi tại Hà Nội hiện nay có phải quá nhiều hay không? Xe hợp đồng điện tử Uber và Grab có được xét vào diện xe quản lý như taxi hay không hiện vẫn còn là điều bàn cãi, vậy tại sao lại cho họ vào nhóm với taxi?
Ùn tắc không phải do Uber mà do hạ tầng, do xe cá nhân. Nếu Uber và Grab có quá nhiều, phát triển quá nóng thì bản thân thị trường sẽ phải tự điều chỉnh. Nếu họ thừa khách thì cơ hội chia sẻ kinh doanh cho nhiều người, tất nhiên những người mới gia nhập sẽ giảm đi và dịch vụ cạnh tranh hơn.
Vấn đề là nên để thị trường quyết định, bởi nếu không có lợi nhuận, tất thảy những lái xe Uber, Grab phải bán xe đi để làm nghề khác, cuộc sống vốn có cung có cầu và chịu điều tiết như vậy.
Việc Uber và Grab bị Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng nộp thuế quá ít; gần đây nhiều lái xe taxi đã in, dán các pano quảng cáo sau xe, trên thân xe như: “Đi taxi truyền thống là yêu nước”, ông nghĩ sao về cách phản ứng này?
- Tôi cho rằng cái gì mới cần công nhận và mở rộng tư duy. Về nghĩa vụ thuế, đây là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, thanh tra thuế cần vào cuộc khi có khiếu nại, xin hãy để cho cơ quan họ kết luận.
Còn đối với vấn đề đi xe taxi truyền thống là yêu nước hay đi xe Uber và Grab không yêu nước thì không nên suy diễn, biểu hiện yêu nước có thể ở nhiều mặt, nhiều cách khác nhau, cốt là làm sao có lợi cho người dân, cho thị trường đều là yêu nước.
Theo ông, đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội dừng khẩn cấp Uber và Grab có phù hợp hay không bởi người ta biết cơ quan này là tập hợp lượng lớn doanh nghiệp taxi của Thủ đô, mà Uber và Grab hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ?
- Tôi nghĩ con đường duy nhất lúc này là các hãng taxi phải vận dụng công nghệ thông tin vào cạnh tranh. Còn những tranh cãi chính sách giờ sẽ không hiệu quả, thị trường mới là người quyết định. Tôi biết hãng xe Mai Linh vừa qua đã áp dụng công nghệ thông tin vào để quản lý và phát triển dịch vụ của mình.
Tôi xin cảnh báo rằng, trong tương lai không xa ô tô điện và ô tô điện tự lái có thể thay đổi ngành vận tải và thay đổi nhiều ngành khác như: taxi, vận chuyển hàng, quản lý giao thông, cấp giấy phép lái xe...
Hiện rất nhiều người đi ô tô đến cơ quan, văn phòng làm việc rồi để cả ngày, vừa mất diện tích vừa mất tiền gửi xe và mất thời gian đi lại cho chủ nhân. Tôi cũng thấy nhờ Uber và Grab nên nhiều người hiện bán xe, bỏ xe ở nhà, đi làm bằng phương tiện nói trên.
Đối với xe điện, trường hợp không sử dụng xăng dầu trong quá trình vận hành, ngành xăng dầu thất thu lúc đó lại đưa ra đề xuất này, đề xuất kia hay sao? Khi xe điện tự lái được lập trình vận hành, được quốc tế thừa nhận và hợp pháp hóa tại Việt Nam. Khi chạy ở Việt Nam có chỗ cua, góc khuất hoặc những điều kiện thực tế dưới quy chuẩn, chúng ta cũng đưa xe của công ty đó ra để xử phạt, hoãn, dừng hay cấm sao?
Phải ứng dụng khoa học công nghệ để lo cho mình chứ không nên tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tại sao Hiệp hội taxi Hà Nội lại đi lo công việc quản lý Nhà nước khi chính họ trước đó đã không đáp ứng được những đòi hỏi đổi mới của người tiêu dùng về giá, về chất lượng và cũng gây ùn tắc giao thông, cãi vã trong dư luận.
Xin trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!
Cùng chủ đề trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Quan điểm của tôi là các kiến nghị của Hiệp hộ taxi Hà Nội về “tình” nghe có vẻ có lý khi mà họ đang bị cạnh tranh, họ yếu thế bởi (chịu hạn chế số lượng, đeo mào, màu và biển, đóng thuế nhiều, bị hạn chế đi vào các khu vực không khuyến khích...). Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào “tình” thì chưa đủ, phải đòi hỏi cái “lý” nữa. Uber và Grab chỉ đăng ký dịch vụ công nghệ chứ không trực tiếp kinh doanh vận tải; đây là hợp đồng vận tải điện tử chứ không phải là hình thức vận tải taxi, nó giống taxi nhưng không chịu các quy định về chính sách với taxi. Chưa có quy định nào khẳng định số lượng của họ đông quá nên dừng, nên cấm. Ngay cả việc Hà Nội hạn chế taxi vào phố cổ theo ngày, giờ cũng là sai quy định của pháp luật. Cấm taxi nhưng các loại xe ô tô Uber, Grab vẫn vào được phố cổ, vậy có cấm được không? Đây là sự bất công mà các hãng taxi đang kêu cứu. Hiện dư luận rất ủng hộ Uber và Grab, quan điểm của tôi nếu các hãng mạnh dạn đổi mớ, ứng dụng công nghệ chắc chắn sẽ thành công và phải làm được chứ nếu không làm được thì đừng kêu. "Chính phủ không bảo hộ cho sự trì trệ. Tự các ông phải đổi mới, nếu không tự khắc sẽ thua cuộc", ông Thanh nói. |
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)