Trong ngày 22/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn đã đến Hà Giang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Giang cho biết, đêm 19/7 đến rạng sáng ngày 21/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có xảy ra mưa to đến rất to gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và thành phố Hà Giang.
Theo báo cáo nhanh, tính đến 6h sáng 22/7, mưa lũ tại Hà Giang đã làm 5 người chết, trong đó 3 người tử vong do sạt lở đất gồm hai mẹ con ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì và một người tại TP Hà Giang; 2 người tử vong do bị lũ cuốn trôi (1 người ở huyện Bắc Quang, 1 người ở huyện Bắc Mê). Mưa lũ cũng khiến 2 người khác bị thương.
Trong đó, nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 cách TP. Hà Giang 15km về phía hạ lưu đã phải xả hoàn toàn với lưu lượng xả lúc 10h là 2.645 mét khối/giây.
Mực nước tại Trạm thủy văn Hà Giang lên nhanh và đạt đỉnh 101,37m trên cấp báo động 2 là 37cm và đang xuống chậm.
Thiệt hại về nhà ở, 2 nhà bị vùi lấp và cuốn trôi, 64 nhà bị đổ sập, 2.800 nhà dân bị ngập úng nước tràn vào nhà.
Thiệt hại về nông nghiệp, 1 ha lúa mới cấy bị sạt lở; hơn 446 ha diện tích lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng; hơn 16 ha cây lâm nghiệp và cây chè bị thiệt hại.
Ngoài ra, hơn 57 ha ao cá truyền thống bị thiệt hại, cùng nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, tổng thiệt hại về nhà, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp ước tính 125 tỷ đồng; ước tính giá trị thiệt hại của hai nhà máy thủy điện Thái An là 350 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Thuận Hòa là 20 tỷ đồng.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 23/7, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động yếu dần nên khu vực vùng núi Bắc Bộ tiếp tục mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng không riêng ở Hà Giang mà lan rộng sang các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La.
Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng tại Hà Giang diễn ra trong bối cảnh thiên tai tại Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, theo thông tin tham khảo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa lớn ở Hà Giang và các tỉnh Tây Bắc Bộ là mưa tại chỗ, không phải do mây từ nơi khác kéo tới.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, nguyên nhân chính khiến Hà Giang ngập nghiêm trọng trong sáng 21/7 là lượng mưa trút xuống quá lớn. "Mưa chỉ vài giờ mà đã hơn 100mm là rất lớn. Trong khi đó, Hà Giang có địa hình lòng chảo, mưa xuống nhanh nhưng nước không kịp thoát gây ra ngập úng nghiêm trọng. Từ năm 1986 đến nay, việc ngập úng vẫn thỉnh thoảng diễn ra", ông Vinh cho biết.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc cho rằng, thông thường, những đợt lũ xảy ra thường là lũ thượng nguồn và xuất hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, đợt lần này lại chỉ tập trung ở Hà Giang. Hà Giang có địa hình gần như một thung lũng. Xung quanh thành phố là các rãnh núi cao nên lượng nước dồn về rất nhanh.
Nói về nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra ở Hà Giang và các tỉnh miền núi Bắc Bộ, ông Bùi Đức Tuấn cho biết đây là một trong những hiện tượng do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa. Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại lâu ở khu vực Hà Giang. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc cũng bác bỏ thông tin mưa lớn ở Hà Giang sáng 21/7 do ảnh hưởng bởi hình thái gây mưa lũ tại Trung Quốc. Theo đó, mưa xuất hiện tại chỗ, do chính vùng mây hội tụ hình thành tại khu vực, không phải do mây từ những nơi khác di chuyển đến.
Nước đổ như thác xuống quốc lộ (Nguồn VnExpress.net) |
Trước tình hình mưa lũ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng; biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thời gian tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, để khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, đồng thời chủ động ứng phó mưa lũ, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hỗ trợ lương thực, không để người dân bị đói.
Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang là tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả.
Tiếp tục tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, khôi phục sản xuất của người dân theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Riêng đối với hai nhà máy thủy điện bị thiệt hại, mặc dù Chính phủ quy định các địa phương chủ động kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Ngoài thiệt hại về người, tỉnh này còn thiệt hại nặng về hoa màu và tài sản.
Đợt lũ này nếu tính hết tất cả thiệt hại phải lên đến 150 tỷ đồng, riêng tuyến đường liên kết các vùng phát triển kinh tế - xã hội phía Đông tỉnh Hà Giang giáp ranh tỉnh Cao Bằng (đường Ngọc Đường - Tùng Bá - Tráng Kìm) đang thi công hiện hỏng hóc nếu khắc phục phải hết 50 tỷ đồng.
Còn 2 nhà máy thủy điện Thái An và nhà máy thủy điện Thuận Hòa nếu tính toán khắc phục phải hết ít nhất 400 tỷ đồng.
Hiện, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kịch bản có thể xảy ra đối với từng vùng, từng huyện một để có những phương án thích hợp nhất để ứng phó với thiên tai về sau.
HP (Nguoiduatin.vn)