Nước đổ như thác xuống quốc lộ
Từ đêm 20 và ngày 21/7, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang).
Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hà Giang, tính đến 10h sáng nay (22/7), mưa lũ đã làm 5 người chết và 2 người bị thương.
Hai căn nhà dân bị sập hoàn toàn, 64 căn bị đổ tường, 800 nhà dân ngập úng, nước tràn vào nhà. Tại huyện Bắc Mê, ngập 6 thôn của xã Yên Định và 2 thôn xã Minh Ngọc, chưa xác định thiệt hại. Về nông nghiệp, trên 446 ha lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng...
Thiệt hại về giao thông, tại TP Hà Giang có 33 tuyến đường bị ngập nước, vị trí ngập sâu nhất lên đến 1,2m; khoảng 3.800m3 đất đá sạt lở.
Tại huyện Vị Xuyên, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã và cầu cứng bị hư hỏng nặng. Các đoạn ở tuyến quốc lộ 2, quốc lộ 4C, quốc lộ 34 bị ngập úng và đất đá bị sạt lở taluy dương tràn ra mặt đường. Nhiều tuyến Tỉnh lộ trên địa bàn cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Đặc biệt là 2 nhà máy thủy điện Thuận Hòa (Vị Xuyên) và Thái An (Quản Bạ) bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc.
33 ô tô bị ngập và hư hỏng do sập nhà để xe, ngập 250 xe máy, xe đạp điện bị ngập nước… Ước tổng thiệt hại hơn 80 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại về thủy điện.
Theo thông tin mới nhất, đến nay các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh bị ách tắc cơ bản đã thông xe.
Liên quan tới tình hình mưa lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công điện hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng; biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Hiện nay là đầu mùa mưa lũ ở Bắc Bộ, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, để khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, đồng thời chủ động ứng phó mưa lũ, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hỗ trợ lương thực, không để người dân bị đói. Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kịp thời sửa chữa các hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố do mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn, sớm khôi phục sản xuất và chủ động ứng phó lũ các đợt mưa lũ tiếp theo.
UB quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Theo Mộc Miên - Đức Họ (VietNamNet)