Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao

07/04/2022 08:55:05

Những ngôi biệt thự cổ, công trình kiến trúc Pháp cổ nằm ở vị trí đắc địa giữa Thủ đô thời gian qua bị “xóa sổ”, nhường chỗ cho những tòa cao ốc, những dự án bất động sản nghìn tỷ gây xôn xao dư luận.

Phá bỏ tòa nhà Pháp cổ trên khu “đất kim cương” xây cao ốc

Những ngày qua, nhiều người yêu di sản Hà Nội đang ngỡ ngàng, tiếc nuối khi dãy nhà 2 tầng 4 mặt phố, có địa chỉ tại 61 Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình lịch sử vài trăm mét đang bị phá dỡ để xây cao ốc.

Đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Khu đất trên rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (POSTEF).

Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao
Tòa nhà Pháp cổ 4 mặt phố, có địa chỉ tại 61 Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình lịch sử vài trăm mét đang bị phá dỡ để xây cao ốc 11 tầng gây xôn xao. Ảnh: Hiểu Minh

Đáng chú ý, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi. Đây là minh chứng lịch sử chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967.

Theo Quyết định 3841/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Khu đất nghiên cứu là hơn 9.078m2, diện tích lập dự án là 7.532m2: gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm khoảng hơn 43.023 m2; chiều cao khoảng 42,9 m. Tổng vốn đầu tư hơn 1.574 tỷ đồng.

Thông tin một tòa cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm sắp được "nhồi" vào giữa trung tâm hành chính quận Ba Đình khiến cư dân xung quanh khu vực không khỏi bất ngờ và lo ngại liệu có một "8B Lê Trực" thứ hai?.

Biệt thự cổ nhường chỗ cho dự án nghìn tỷ

Hồi tháng 9/2020 dư luận cũng xôn xao trước việc ngôi biệt thự cổ (nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 ngõ 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng) bị phá bỏ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở theo quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của TP Hà Nội.

Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao - 1

Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao - 2
Ngôi biệt thự cổ (nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 ngõ 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng) bị phá bỏ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở. Ảnh: Đình Phong

Được biết, ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 10 ngõ 128C Đại La được Pháp xây dựng năm 1912 làm Đài Phát tín Bạch Mai. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai).

Thời điểm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam có công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc phối hợp bảo tồn di tích lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai, trong đó kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự cổ thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 Đại La.

“Với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm Phát sóng Bạch Mai, Đài tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, giữ lại tòa nhà tại vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về trạm phát sóng Bạch Mai”, công văn nêu rõ.

Theo tìm hiểu của PV, trong danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội” thì ngôi biệt thự cổ số 10 ngõ 128C Đại La, phường Đồng Tâm thuộc Nhóm 2. Vì vậy, theo quy định biệt thự cổ Nhóm 2 cần được bảo tồn theo nguyên tắc phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự về mật độ xây dựng, số tầng cao, độ cao không được phá bỏ.

Tuy nhiên, ngôi biệt thự vẫn bị phá bỏ để nhường chỗ cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở khiến nhiều người tiếc nuối.

Xóa sổ biệt thự trên "đất vàng"

Hay nằm tại vị trí "đất vàng" ngã tư Nguyễn Du và Trần Bình Trọng, ngôi biệt tại địa chỉ số 78 Nguyễn Du (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) từng là trụ sở của một ngân hàng bỏ hoang khoảng chục năm qua bất ngờ bị xóa sổ, đập bỏ vào hồi tháng 4/2021, giờ chỉ còn lại bãi đất trống.

Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao - 3

Những biệt thự, tòa nhà kiến trúc cổ bị 'xóa sổ' xây cao ốc ở Hà Nội gây xôn xao - 4
Ngôi biệt thự 78 Nguyễn Du (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) nằm trên khu "đất vàng" ngã tư Nguyễn Du và Trần Bình Trọng bị phá bỏ xây trụ sở chi nhánh ngân hàng. Ảnh: Đình Phong

Được biết, biệt thự 78 Nguyễn Du theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội được xếp vào biệt thự nhóm 3. Theo quy chế, trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng (đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và biệt thự do các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng hoặc biệt thự đan xen sử dụng giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân), Ủy ban nhân dân quận (nếu biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, sau khi đã có ý kiến của Sở Xây dựng) kiểm tra, báo cáo UBND TP cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.

Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Theo ghi nhận của PV, hồi tháng 4/2021, ngôi biệt tại địa chỉ số 78 Nguyễn Du (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bị phá bỏ, giờ chỉ còn lại bãi đất trống nhường chỗ cho dự án công trình trụ sở chi nhánh một ngân hàng cao 8 tầng nổi, 2 tầng hầm...

Theo Đình Phong (Tiền Phong)