Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng liên quan đến thông tin phản ánh của báo chí về các công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa).
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa) theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4/2022.
Trước đó, vấn đề liên quan đến 2 công trình xây dựng này được đề cập trên các báo ra ngày 4 và 5/4/2022.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.
Quận ủy Đống Đa chỉ đạo UBND quận khẩn trương kiểm tra, báo cáo kết quả về Thường trực Thành ủy việc chấp hành pháp luật về đầu tư - xây dựng, đất đai và quản lý trật tự xây dựng tại công trình xây dựng nhà 5 tầng số 84 đường Láng (trên phần đất lấn chiếm của dự án số 90 đường Láng), phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa như thông tin báo nêu.
Những ngày gần đây, người dân Thủ đô bất ngờ khi thấy dãy nhà 4 mặt phố, địa chỉ tại 61 Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình vài trăm mét đang dựng giàn giáo xung quanh để thi công. Hiện tại, phần mái nhà và nhiều công trình bên trong tòa nhà đã được phá dỡ. Đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn.
Khu đất này rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Cty CP thiết bị Bưu điện (POSTEF). Ban đầu, POSTEF dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó POSTEF quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF. Cty thuê đất của nhà nước có thời hạn 50 năm, ngày hết hạn 24/6/2067 với tổng diện tích đất 7.523 m2.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với POSTEF thực hiện Dự án còn có Cty CP Liên Việt Holdings. Theo Quyết định 3841 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Khu đất nghiên cứu là hơn 9.078m2, diện tích lập dự án là 7.532m2: gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm khoảng hơn 43.023 m2; chiều cao khoảng 42,9 m. Tổng vốn đầu tư hơn 1.574 tỷ đồng.
Liên quan đến địa chỉ này, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, ngày 4/4 UBND quận Ba Đình đã có văn bản số 517 đề nghị Cty Cổ phần Thiết bị Bưu điện - Bảo vệ nguyên trạng Bức phù điêu đắp nổi xây dựng trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực của công trình 61 Trần Phú - minh chứng lịch sử tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967; báo cáo UBND thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao, UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục Bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Theo Trường Phong (Tiền Phong)